Thông tư 110/2000/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước dành cho đầu tư và xây dựng do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 110/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 14/11/2000
Ngày có hiệu lực 14/11/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 110/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 110/2000/TT-BTC NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC DÀNH CHO ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Quy chế Quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ;
Sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước dành cho đầu tư và xây dựng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước (viết tắt là DNNN), trong đó bao gồm các DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước.

2. Dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN là các dự án: có sử dụng một phần vốn hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc từ ngân sách, vốn do doanh nghiệp tự tích luỹ, vốn tín dụng thương mại để đầu tư phát triển, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính (bù đắp tổn thất tài sản), quỹ phúc lợi (đầu tư các công trình phúc lợi), vốn khấu hao tài sản cố định và các khoản thu của Nhà nước để lại cho doanh nghiệp để đầu tư.

3. Đối với các dự án sửa chữa tài sản cố định, việc quản lý và thanh toán chi phí sửa chữa tài sản cố định được thực hiện theo chế độ quản lý tài chính của DNNN hiện hành. Trường hợp DNNN sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đầu tư sửa chữa tài sản cố định thì DNNN phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

4. Các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư và xây dựng, được cân đối vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của doanh nghiệp. DNNN được tự tổ chức thanh toán hoặc lựa chọn các tổ chức thanh toán vốn để giúp doanh nghiệp quản lý thanh toán vốn đầu tư phát triển.

DNNN thực hiện đầy đủ chế độ kế toán - thống kê và quyết toán vốn đầu tư theo qui định hiện hành.

5. Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN có trách nhiệm tổ chức quản lý và thực hiện dự án đầu tư, tự chịu trách nhiệm về bảo toàn vốn và hiệu quả đầu tư của dự án trên cơ sở thực hiện đúng các chế độ chính sách hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu.

6. Cơ quan quản lý tài chính DNNN thực hiện chức năng quản lý tài chính nhà nước và giám sát việc sử dụng vốn đảm bảo an toàn có hiệu quả đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của DNNN. Kho bạc nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nhà nước (sau đây gọi chung là tổ chức thanh toán vốn) có trách nhiệm giúp DNNN kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình thanh toán vốn đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ cho dự án và phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, đồng thời phát hiện để ngăn chặn kịp thời việc sử dụng vốn sai mục đích, sai chế độ gây lãng phí thất thoát tiền vốn của DNNN.

7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tổng công ty nhà nước, các Hội, các Đoàn thể (gọi chung là các Bộ), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là UBND tỉnh), có trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng và quy định tại Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Vốn đầu tư phát triển của DNNN được sử dụng để đầu tư và xây dựng cho các mục đích sau:

- Dự án đầu tư và xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các dự án đã đầu tư.

- Dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp và sản phẩm công nghệ khoa học mới.

DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng vốn theo các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan khi sử dụng vốn đầu tư phát triển vào các mục đích sau đây:

- Mua cổ phiếu, góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh và các hình thức đầu tư khác.

- Đầu tư liên doanh với nước ngoài.

2. Vốn đầu tư phát triển của DNNN được hình thành từ các nguồn sau:

2.1. Vốn chủ sở hữu của DNNN :

+ Quỹ đầu tư phát triển;

+ Vốn khấu hao tài sản cố định;

+ Vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

+ Vốn ngân sách nhà nước cấp ban đầu;

+ Quỹ phúc lợi (sử dụng cho đầu tư các công trình phúc lợi);

+ Các khoản thu của Nhà nước để lại doanh nghiệp đầu tư.

Việc sử dụng Quỹ dự phòng tài chính chỉ để bù đắp tài sản tổn thất: tài sản của DNNN do mất mát, hư hỏng, giảm giá do các nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ