Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 11/2014/TT-BCT về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương

Số hiệu 11/2014/TT-BCT
Ngày ban hành 24/03/2014
Ngày có hiệu lực 08/05/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 11/2014/TT-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về cải cách hành chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (sau đây gọi là lĩnh vực Công Thương), bao gồm: kiểm soát việc ban hành thủ tục hành chính; kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính; xử lý, phản ánh kiến nghị về quy định hành chính trong lĩnh vực Công Thương; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương; cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương; tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương

1. Thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương.

2. Bảo đảm quy định thủ tục hành chính công khai, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; kịp thời loại bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà.

Chương II

KIỂM SOÁT VIỆC BAN HÀNH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Điều 3. Kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1. Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 5 Thông tư số 22/2011/TT-BCT ngày 31 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương (sau đây gọi là Thông tư số 22/2011/TT-BCT), trước khi đăng ký vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, các đơn vị dự kiến đăng ký có trách nhiệm thực hiện bổ sung các hoạt động sau để làm cơ sở cho việc đề nghị xây dựng văn bản có chứa thủ tục hành chính:

a) Đối với đề nghị xây dựng văn bản mới; nghiên cứu rõ số lượng, hình thức và dự kiến triển khai thực hiện của từng thủ tục hành chính, dự kiến số lượng đối tượng bị tác động bởi thủ tục hành chính sẽ được quy định trong văn bản;

b) Đối với đề nghị xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành: đánh giá hiệu quả thực tiễn việc thực hiện các thủ tục hành chính hiện có trong các văn bản quy phạm pháp luật được đề nghị sửa đổi, bổ sung trong sự phù hợp với các mục tiêu, yêu cầu, bối cảnh quản lý nhà nước tại thời điểm ban hành văn bản và thời điểm sửa đổi, bổ sung. Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung không có sửa đổi về thủ tục hành chính thì không cần thực hiện quy định tại khoản này.

2. Khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 22/2011/TT-BCT, các đơn vị có trách nhiệm bổ sung trong thuyết minh về đề nghị xây dựng văn bản nội dung nêu rõ căn cứ thực tiễn, sự cần thiết, dự kiến số lượng, hình thức, phương thức thực hiện các thủ tục hành chính. Trường hợp văn bản được đề nghị xây dựng là văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành thì chỉ thuyết minh cho những nội dung có sửa đổi về thủ tục hành chính.

Ví dụ:

a) Trường hợp văn bản được ban hành mới:

Ngoài sự cần thiết ban hành văn bản do thực hiện Luật Y, căn cứ vào tình hình thực tiễn quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực, cần phải xây dựng Nghị định A. Trong đó, Nghị định A dự kiến sẽ có thủ tục hành chính trong 7 nội dung quản lý nhà nước trong đó có 1 thủ tục dưới dạng cấp giấy phép và các giấy tương tự như giấy phép (chứng nhận đủ điều kiện, hạn ngạch...), 3 thủ tục dưới dạng đăng ký có xác nhận, 3 thủ tục dưới dạng thông báo. Phương thức thực hiện bao gồm nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến, số lượng đối tượng dự kiến sẽ tác động đến là 300 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

[...]