Thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL quy định sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 11/2013/TT-BVHTTDL
Ngày ban hành 16/12/2013
Ngày có hiệu lực 15/02/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Tuấn Anh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2013/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ SƯU TẦM HIỆN VẬT CỦA BẢO TÀNG CÔNG LẬP

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóaLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập (sau đây gọi là bảo tàng).

2. Thông tư này áp dụng đối với bảo tàng và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sưu tầm hiện vật của bảo tàng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hiện vật là bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được bảo tàng sưu tầm, hoàn thiện hồ sơ về khoa học và pháp lý để trở thành hiện vật bảo tàng.

Trong Thông tư này, từ ngữ “Di vật khảo cổ” theo quy định tại Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ được gọi chung là “hiện vật”.

2. Sưu tầm hiện vật là việc bảo tàng thông qua các phương thức khác nhau để đưa hiện vật về bảo tàng, phục vụ hoạt động của bảo tàng.

3. Hồ sơ sưu tầm hiện vật là tập hợp các tài liệu khoa học và pháp lý về hiện vật, được hình thành trong quá trình nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc đưa hiện vật về bảo tàng.

4. Đề cương sưu tầm hiện vật là văn bản thể hiện những vấn đề chủ yếu về mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng dự kiến sưu tầm, thời gian thực hiện và những vấn đề khác có liên quan đến việc triển khai sưu tầm hiện vật cho bảo tàng.

5. Hiến tặng hiện vật là việc tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao cho bảo tàng sử dụng vĩnh viễn hiện vật thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, không kèm theo điều kiện về chi phí cho việc chuyển giao đó, để bảo tàng quản lý và phát huy giá trị hiện vật.

6. Chuyển giao hiện vật là việc một cơ quan, đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ hoạt động bảo tàng chuyển giao cho bảo tàng quản lý và sử dụng vĩnh viễn những hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng do cơ quan, đơn vị thu giữ được trong quá trình thực thi công vụ.

Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện việc sưu tầm hiện vật

1. Thực hiện việc sưu tầm hiện vật theo trình tự sau:

a) Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin và nghiên cứu về hiện vật; xác định các hiện vật có đủ tiêu chí là đối tượng sưu tầm của bảo tàng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này để lập đề cương, kế hoạch sưu tầm trình người có thẩm quyền phê duyệt;

b) Lập hồ sơ hiện vật dự kiến sưu tầm theo quy định tại Thông tư này và quy định của bảo tàng;

c) Thực hiện việc sưu tầm hiện vật theo đề cương, kế hoạch sưu tầm đã được phê duyệt;

[...]