BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 11/2012/TT-BTP
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 10 năm 2012
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH QUY TẮC ĐẠO ĐỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật công
chứng số 82/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP
ngày 04 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật công chứng;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP
ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư ban hành
Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng,
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy tắc đạo đức hành nghề
công chứng.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 12 năm
2012.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Thủ trưởng các
đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
Tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng
viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính
phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, BTTP (5 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chính
|
QUY TẮC
ĐẠO
ĐỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng
Bộ Tư pháp)
Lời nói đầu
Công chứng là một nghề cao quý, bởi hoạt động công
chứng bảo đảm tính an toàn pháp lý, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro cho
các hợp đồng, giao dịch, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng quy định các
chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của công chứng viên trong hành nghề công chứng,
là cơ sở để công chứng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề
và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng
viên, nâng cao uy tín của công chứng viên, góp phần tôn vinh nghề công chứng
trong xã hội.
Chương 1.
QUY TẮC CHUNG
Điều 1. Bảo vệ quyền,
lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
Công chứng viên có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc,
vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo vệ
quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong
xã hội.
Điều 2. Nguyên tắc hành nghề
công chứng
Công chứng viên phải tuân thủ những nguyên tắc sau
đây:
1. Tuân thủ Hiến pháp,
pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Khách quan, trung thực khi thực hiện công chứng,
không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến chất lượng việc công chứng cũng
như phân biệt đối xử với người yêu cầu công chứng.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công
chứng, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình trong trường hợp việc công chứng dẫn
đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.
4. Tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức hành
nghề công chứng này và các quy định của tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng.
Điều 3. Tôn trọng, bảo vệ uy
tín, thanh danh nghề nghiệp
1. Công chứng viên có trách nhiệm coi trọng, giữ
gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín
cá nhân, thanh danh nghề nghiệp.
2. Công chứng viên cần phải ứng xử văn minh, lịch sự
trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng,
tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu công chứng và toàn thể xã hội.
Điều 4. Rèn luyện, tu dưỡng bản
thân
Công chứng viên phải không ngừng trau dồi đạo đức,
nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến
thức và nỗ lực tìm tòi để nâng cao chất lượng công việc và phục vụ người yêu cầu
công chứng.
Chương 2.
QUAN HỆ VỚI NGƯỜI YÊU CẦU
CÔNG CHỨNG
Điều 5. Trách nhiệm nghề nghiệp
1. Công chứng viên phải tận tâm với công việc, phát
huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm
tốt nhất tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; có trách nhiệm tiếp nhận
và giải quyết yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp
thời khi yêu cầu công chứng đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức
xã hội.
2. Công chứng viên sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết
kịp thời yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng bằng cách luôn có mặt
tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng trong giờ làm việc theo quy định của
pháp luật.
3. Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người
yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp
đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc
của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý
chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch; đảm bảo các bên có nhận thức đúng
về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng trước khi
công chứng viên công chứng.
4. Công chứng viên có trách nhiệm cung cấp cho người
yêu cầu công chứng các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm
nghề nghiệp của công chứng viên trong hành nghề công chứng theo yêu cầu của người
yêu cầu công chứng.
Điều 6. Bảo mật thông tin, bảo
quản hồ sơ công chứng
1. Công chứng viên có trách nhiệm giữ bí mật các
thông tin trong hồ sơ yêu cầu công chứng, hồ sơ công chứng và tất cả thông tin biết
được về nội dung công chứng trong quá trình hành nghề cũng như khi không còn là
công chứng viên; trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu
công chứng hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Công chứng viên có trách nhiệm bảo quản hồ sơ công
chứng trong quá trình giải quyết yêu cầu công chứng và bàn giao đầy đủ hồ sơ
công chứng để lưu trữ theo quy định của pháp luật.
3. Công chứng viên có trách nhiệm hướng dẫn nhân
viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng, của mình không được tiết lộ bí mật
thông tin về việc công chứng mà họ biết theo nội quy, quy chế của tổ chức hành
nghề công chứng, quy định của pháp luật; đồng thời, giải thích rõ trách nhiệm
pháp lý của họ trong trường hợp tiết lộ những thông tin đó.
Điều 7. Đối xử bình đẳng giữa
những người yêu cầu công chứng
Công chứng viên không được phân biệt đối xử về giới
tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài
chính, tuổi tác giữa những người yêu cầu công chứng khi họ đáp ứng đủ các điều
kiện theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng, bảo đảm đối xử bình
đẳng giữa những người yêu cầu công chứng.
Điều 8. Thu phí, thù lao công
chứng
Công chứng viên có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và
công khai phí, thù lao công chứng theo quy định đã được niêm yết; khi thu phí,
thù lao công chứng phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu
cầu công chứng biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.
Điều 9. Những việc công chứng
viên không được làm trong quan hệ với người yêu cầu công chứng
1. Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công
chứng.
2. Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào
khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và
chi phí khác đã được quy định, xác định, thoả thuận.
3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác
từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng dẫn tới hậu
quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu công chứng và các
bên liên quan.
4. Sử dụng thông tin biết được từ việc công chứng để
mưu cầu lợi ích cá nhân.
5. Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích
và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
6. Đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu
cầu công chứng hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm phí công chứng, thù lao công chứng
so với quy định và sự thỏa thuận.
7. Công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan
về mặt lợi ích giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng.
8. Thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu công
chứng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
9. Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu
công chứng hoặc người môi giới.
10. Câu kết với người yêu cầu công chứng, những người
có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng và hồ sơ đã công chứng.
Chương 3.
QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP,
TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG, TỔ CHỨC XÃ HỘI NGHỀ NGHIỆP CÔNG CHỨNG, TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN KHÁC
Điều 10. Quan hệ của công chứng
viên với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã hội nghề nghiệp
công chứng
1. Tôn trọng, bảo vệ danh dự của đồng nghiệp; giữ
gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác giúp đỡ nhau hoàn thành
nhiệm vụ.
2. Công chứng viên có trách nhiệm giám sát lẫn nhau
trong hành nghề, tận tâm và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái
trong hoạt động công chứng trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp, bảo đảm bí mật nghề
nghiệp, vì sự phát triển bền vững của nghề công chứng.
3. Khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót trong hành
nghề, công chứng viên có nghĩa vụ góp ý thẳng thắn nhưng không được hạ thấp
danh dự, uy tín của đồng nghiệp và báo cáo với người có trách nhiệm nếu đó là
hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây tổn hại đến nghề nghiệp.
4. Chấp hành các nội quy, quy chế của tổ chức hành
nghề công chứng, tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng.
5. Hướng dẫn, giúp đỡ những đồng nghiệp mới vào nghề.
6. Tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động
xã hội khác do Nhà nước, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã hội nghề nghiệp
tổ chức hoặc phát động nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của nghề công chứng.
7. Đóng phí thành viên tổ chức xã hội nghề nghiệp
theo quy định.
8. Phối hợp với tổ chức hành nghề công chứng mua bảo
hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để dự phòng giải quyết rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.
Điều 11. Quan hệ với tập sự hành
nghề công chứng
1. Công chứng viên có bổn phận tham gia vào công
tác hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng; nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền
đạt kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp đối với người tập sự hành nghề công chứng.
2. Công chứng viên hướng dẫn tập sự không được thực
hiện những việc sau:
a) Phân biệt, đối xử mang tính cá nhân với những
người đang tập sự hành nghề công chứng do mình hướng dẫn.
b) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc từ người tập
sự hành nghề công chứng.
c) Thông đồng với người tập sự hành nghề công chứng
để báo cáo sai sự thật, báo cáo khống về kết quả tập sự hành nghề công chứng.
d) Lợi dụng tư cách là công chứng viên hướng dẫn để
buộc người tập sự phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những
hành vi vi phạm pháp luật trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho
mình.
Điều 12. Những việc công chứng
viên không đưọc làm trong quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng
1. Xúc phạm hoặc có hành vi làm tổn hại uy tín của
đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng.
2. Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi
phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình
trong hành nghề.
3. Hợp tác với cá nhân, tổ chức có khả năng gây áp
lực buộc người yêu cầu công chứng phải đến tổ chức hành nghề công chứng của
mình để công chứng vì mục đích lợi nhuận.
4. Tiến hành bất kỳ hành vi quảng cáo bản thân và tổ
chức hành nghề công chứng của mình dưới mọi hình thức không đúng quy định của
pháp luật.
5. Hoạt động môi giới, nhận hoặc đòi tiền hoa hồng
khi giới thiệu cho đồng nghiệp về yêu cầu công chứng mà mình không đảm nhận.
6. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm
giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.
Điều 13. Quan hệ với cá nhân,
tổ chức khác
Công chứng viên phải tuân thủ quy định của pháp luật
trong khi làm việc với các cơ quan nhà nước, cá nhân tổ chức khác; có thái độ lịch
sự, tôn trọng công chức nhà nước, cá nhân, tổ chức khác khi hợp tác với công chứng
viên trong quá trình thi hành công vụ, liên hệ công tác.
Chương 4.
KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KHEN
THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 14. Kiểm tra, giám sát việc
tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng
1. Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ
Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức kiểm
tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng
trong phạm vi toàn quốc.
2. Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức
hành nghề công chứng đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng
trong phạm vi địa phương quản lý.
3. Tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng có trách
nhiệm giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đối với công
chứng viên trong tổ chức mình.
4. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giám
sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đối với công chứng viên
tại tổ chức mình.
Điều 15. Khen thưởng và xử lý
vi phạm
1. Công chứng viên gương mẫu trong thực hiện Quy tắc
đạo đức hành nghề công chứng thì được Nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp công
chứng viên ghi nhận và vinh danh.
2. Công chứng viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo
đức hành nghề công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở,
phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp
của công chứng viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật./.