Thông tư 104-TT/PC 1987 hướng dẫn về Hợp đồng kinh tế và Trọng tài kinh tế nhằm thi hành QĐ 217-HĐBT-1987 do Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành
Số hiệu | 104-TT/PC |
Ngày ban hành | 31/12/1987 |
Ngày có hiệu lực | 31/12/1987 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Trọng tài kinh tế Nhà nước |
Người ký | Tô Duy |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thương mại,Thủ tục Tố tụng |
TRỌNG
TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104-TT/PC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1987 |
Căn cứ vào Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh, Trọng tài kinh tế Nhà nước ra Thông tư hướng dẫn một số vấn đề về hợp đồng kinh tế và Trọng tài kinh tế nhằm thi hành Quyết định nói trên của Hội đồng Bộ trưởng như sau:
Các chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế (xí nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, tổ hợp sản xuất, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang) phải có tư cách pháp nhân. Các hộ tư nhân có quan hệ hợp đồng với xí nghiệp quốc doanh phải có giấy phép đăng ký kinh doanh và có tài khoản ở Ngân hàng.
Các chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế trên đây đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Nội dung hợp đồng kinh tế.
Việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế phải theo đúng các quy định của pháp luật. Nội dung hợp đồng kinh tế phải bao gồm các điều khoản chủ yếu theo chế độ hợp đồng kinh tế quy định, cụ thể là phải có các điều khoản về số lượng sản phẩm hoặc công việc, về chất lượng sản phẩm hoặc công việc về giá cả, về thời gian, địa điểm và phương thức giao nhận, về phương thức thanh toán, về trách nhiệm vật chất khi vi phạm hợp đồng, và về thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Nội dung từng điều khoản của hợp đồng phải cụ thể, rõ ràng, quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của từng bên đối với nhau.
Các bên có thể ký hợp đồng kinh tế một năm, nửa năm, một quý, một vụ, một tháng, tuỳ theo yêu cầu sản xuất và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nhà nước khuyến khích các bên ký hợp đồng dài hạn đối với những mặt hàng ổn định.
3. Hợp đồng kinh tế là một căn cứ ngày càng quan trọng để xí nghiệp xây dựng và thực hiện kế hoạch.
a) Căn cứ vào số hướng dẫn kế hoạch của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thông báo, vào đơn đặt hàng của Nhà nước và của các tổ chức tiêu thụ, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đồng thời căn cứ vào các thông tin kinh tế, các định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước hoặc của ngành, xí nghiệp chủ động tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế với các bên liên quan để xây dựng kế hoạch, và phải được cơ bản hoàn thành trước khi xí nghiệp bảo vệ kế hoạch của mình với cấp trên trực tiếp.
b) Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp giao, xí nghiệp tiến hành bổ sung, điều chỉnh những hợp đồng đã ký hoặc ký thêm những hợp đồng mới cho phù hợp. Mọi hoạt động liên doanh, liên kết kinh tế ngoài chỉ tiêu pháp lệnh đều được thể hiện vào kế hoạch của xí nghiệp và được thực hiện thông qua các hợp đồng kinh tế.
c) Trong quá trình thực hiện kế hoạch và hợp đồng, nếu chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh của xí nghiệp được cấp có thẩm quyển bổ sung hoặc điều hoặc chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế thì xí nghiệp phải hiệp thương thoả thuận với các bên liên quan để bổ sung, điều chỉnh hoặc ký lại các hợp đồng kinh tế cho phù hợp.
d) Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày hết hiệu lực của hợp đồng, xí nghiệp phải cùng với các bên liên quan thanh lý và quyết toán thực hiện hợp đồng. Việc thanh lý và quyết toán thực hiện hợp đồng phải gắn với quyết toán thực hiện kế hoạch. Kết quả thực hiện hợp đồng là một căn cứ quan trọng để xác định mức độ hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp.
4. Việc gửi hợp đồng kinh tế đến Trong tài kinh tế để theo dõi.
Hợp đồng kinh tế có hiệu lực ngay sau khi ký kết. Các bên có thể gửi các hợp đồng kinh tế đã ký kết đến cơ quan Trọng tài kinh tế có thẩm quyền theo sự phân cấp quản lý hiện hành để theo dõi, giúp đỡ việc thực hiện.
5. Việc thưởng, phạt vật chất trong chế độ hợp đồng kinh tế.
- Về thưởng phạt do các bên thoả thuận ghi trong hợp đồng kinh tế.
Các bên có thể thoả thuận ghi trong hợp đồng kinh tế một khoản tiền thưởng cho bên nào thực hiện tốt đầy đủ hay vượt mức hợp đồng đã ký cũng như một khoản tiền phạt đối với bên nào không thực hiện tốt các điều cam kết trong hợp đồng. Các khoản thưởng, phạt này không do Nhà nước quy định và không phải là điều khoản bắt buộc khi ký kết hợp đồng kinh tế mà hoàn toàn do các bên tự nguyện và cùng nhau thoả thuận ghi trong hợp đồng. Mức thưởng, phạt cụ thể do các bên chủ động tính toán trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hạch toán và quyền lợi chính đáng của tập thể lao động trong đơn vị và không được hạch toán vào giá thành sản phẩm phí lưu thông.
- Về phạt vật chất theo quy định của Nhà nước:
a) Các trường hợp từ chối, trì hoãn ký kết hợp đồng theo chỉ tiêu pháp lệnh mà không phải vì lý do khách quan không thể khắc phục nổi và các trường hợp vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết, thì bên vi phạm phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại gây ra.
Các vụ từ chối, trì hoãn ký kết hợp đồng theo chỉ tiêu pháp lệnh thì bị phạt tiền từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng. Trường hợp đã gây ra thiệt hại đáng kể cho bên vi phạm, thì bên từ chối, trì hoãn ký kết hợp đồng trên đây phải bị phạt theo tỷ lệ 1% của giá trị hàng hoá trao đổi hoặc dịch vụ mà không ký được.
Đối với các vi phạm hợp đồng đã ký kết thì bên vi phạm bị phạt từ 1 đến 5% của giá trị bị vi phạm trong hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại thực tế gây ra. Tiền phạt vi phạm hợp đồng nộp vào ngân sách Nhà nước, tiền bồi thường thiệt hại trả cho bên bị vi phạm. Trường hợp các bên không nhất trí về mức tính toán thiệt hại thực tế thì Trọng tài kinh tế tế nơi xét xử căn cứ vào tình hình cụ thể của vụ việc tranh chấp hoặc vi phạm, vào kết luận của giám định kỹ thuật và mức độ thiệt hại gây ra mà quyết định số tiền phải bồi thường.
b) Tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại đối với đơn vị hạch toán kinh tế độc lập và đơn vị dự toán đều được trích từ tài khoản của bên vi phạm và được xử lý theo các quy định hiện hành về tài chính.
c) Quá thời hạn nộp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại (không quá 30 ngày kể từ ngày ký quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế) mà bên vi phạm không chấp hành đầy đủ quyết định đó, thì Ngân hành Nhà nước tự động trích tài khoản của bên vi phạm để trả cho bên được nhận, đồng thời bắt phạt chậm trả theo tỷ lệ 0,2% một ngày trên số tiền chậm nộp. Tiền phạt chậm trả này được trả cho bên bị vi phạm.
Trường hợp tài khoản của bên vi phạm có tiền và Ngân hàng Nhà nước đã nhận được quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế đã quá 30 ngày mà không trích nộp, thì Ngân hàng phải chịu phạt chậm thanh toán cũng theo tỷ lệ 0,2% một ngày và trả số tiền phạt này cho bên được hưởng.