Thông tư 101/2008/TT-BNN hướng dẫn Quyết định 459/QĐ-TTg về việc thí điểm trang bị máy thu trực canh cho ngư dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 101/2008/TT-BNN
Ngày ban hành 15/10/2008
Ngày có hiệu lực 13/11/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Việt Thắng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 101/2008/TT-BNN

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 459/QĐ-TTG NGÀY 28/4/2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM TRANG BỊ MÁY THU TRỰC CANH CHO NGƯ DÂN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển;
Căn cứ Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 28/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm trang bị máy thu trực canh cho ngư dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục, quy trình nhận, bàn giao máy thu trực canh (SSB) như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, MỨC, THỜI GIAN VÀ HỒ SƠ HỖ TRỢ TRANG BỊ MÁY THU TRỰC CANH TRÊN TÀU CÁ

1. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ

a. Các chủ tàu cá là chủ hộ nghèo (căn cứ theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ);

b. Các chủ tàu cá có tàu chìm, hư hỏng nặng do thiên tai hoặc bị tai nạn khác, khi khôi phục sản xuất.

2. Điều kiện hỗ trợ:

a. Các chủ tài cá phải có đơn xin hỗ trợ và cam kết sử dụng, được Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn chứng nhận thuộc diện tại khoản 1 nêu trên;

b. Tàu cá lắp máy có công suất từ 20cv trở lên, được đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản hoạt động trên các vùng biển; chưa trang bị máy thu hoặc máy thông tin liên lạc chuyên dụng khác để tiếp nhận thông tin thời tiết;

c. Tàu cá phải có nguồn điện 1 chiều 12 vol;

d. Chủ tàu cá phải chịu chi phí lắp đặt máy. Mức chi phí lắp đặt tùy thuộc vào số lượng máy, điều kiện đi lại của cán bộ lắp đặt mà địa phương quy định.

3. Mức hỗ trợ

Mỗi chủ tàu cá được hỗ trợ một lần, bằng một máy thu trực canh (SSB) lắp trên tàu cá để tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết.

4. Hồ sơ hỗ trợ

a. Đơn xin hỗ trợ và cam kết sử dụng máy thu trực canh (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b. Bản sao có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về các giấy tờ: Đăng ký tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản.

5. Thời gian thực hiện hỗ trợ: Đến hết ngày 31/12/2009.

II. TỔ CHỨC LẬP DANH SÁCH VÀ PHÂN BỔ MÁY THU TRỰC CANH

1. Lập danh sách chủ tàu cá đề nghị hỗ trợ máy thu trực canh

a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Thủy sản chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và các huyện thị, thông báo rộng rãi cho các chủ tàu cá về các điều kiện, tiêu chuẩn được xem xét lắp đặt máy thu trực canh (SSB) trên tàu cá;

b. Căn cứ đơn và hồ sơ xin hỗ trợ, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập danh sách các chủ tàu cá đề nghị hỗ trợ máy thu trực canh và gửi về Ủy ban nhân dân huyện để tổng hợp, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Thủy sản (những địa phương chưa hợp nhất 02 Sở);

c. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tổng hợp danh sách và thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các chủ tàu cá do các xã đề xuất. Danh sách chủ tàu cá đề nghị hỗ trợ máy thu trực canh (theo mẫu số 2) phải được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyêt và gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản), trước ngày 30 tháng 10 năm 2008.

2. Phân bổ và giao nhận máy thu trực canh

a. Căn cứ danh sách chủ tàu cá đề nghị hỗ trợ máy thu trực canh (SSB) của các địa phương và cân đối nguồn vốn được bố trí, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch, tổ chức phân bố và thông báo cho các địa phương số lượng máy thu trực canh được nhận theo từng đợt, trên cơ sở số lượng đề nghị của các địa phương và khả năng cung ứng của nhà thầu;

b. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Thủy sản tổ chức tiếp nhận máy; có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức lắp đặt máy thu trực canh trên tàu cá, bàn giao và thường xuyên kiểm tra việc sử dụng máy. Việc bàn giao máy cho các chủ tàu cá quản lý, sử dụng phải có biên bản và bản cam kết của chủ tàu cá (Biên bản theo mẫu số 3 kèm theo);

c. Kết thúc từng đợt giao máy, các địa phương phải có báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình giao nhận, những vấn đề phát sinh cần được điều chỉnh.

III. QUẢN LÝ SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN MÁY THU TRỰC CANH

[...]