Thông tư 10/2002/TT-BTM hướng dẫn việc mua bán trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ Thương mại ban hành

Số hiệu 10/2002/TT-BTM
Ngày ban hành 12/12/2002
Ngày có hiệu lực 27/12/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Phan Thế Ruệ
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2002/TT-BTM

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 10/2002/TT-BTM NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC MUA BÁN, TRAO ĐỔI HÀNG HOÁ VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI TẠI KHU VỰC BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM - CAMPUCHIA

Căn cứ Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/07/1998 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005;
Để thực hiện Hiệp định về mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia ký ngày 26/11/2001 tại Phnôm Pênh;
Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể một số điểm về việc mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia để thi hành thống nhất như sau:

1. Chủ thể mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia gồm:

a. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật;

b. Các hộ kinh doanh cá thể tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;

c. Cư dân biên giới tại các tỉnh có chung biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

2. Hàng hoá mua bán, trao đổi và dịch vụ thương mại qua biên giới (gọi chung là hàng hoá)

a. Tất cả các loại hàng hoá được phép mua bán, trao đổi qua biên giới, trừ các loại hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ghi trong phụ lục 01 và phụ lục 02 của Hiệp định mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia ký ngày 26/11/2001 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

b. Đối với hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại hoặc giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành, thì chỉ có các chủ thể nêu tại khoản a Mục 1 của Thông tư này được mua bán với điều kiện phải đưọc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Chất lượng hàng hoá mua bán, trao đổi qua biên giới

Các chủ thể hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là đối với các hàng hoá thuộc danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hoá mà mình mua bán.

4. Cửa khẩu mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới

a. Các cặp cửa khẩu chính (cửa khẩu quốc tế, quốc gia) hàng hoá mua bán, trao đổi tại khu vực biên giới giữa hai nước được phép làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu theo các quy định của pháp luật hiện hành qua các cặp cửa khẩu chính do Chính phủ hai bên thoả thuận.

b. Các cặp của khẩu phụ (cửa khẩu địa phương):

b 1. Các doanh nghiệp được phép làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá chính ngạch theo hợp đồng thương mại qua các cửa khẩu phụ đã có thoả thuận đồng ý của chính quyền địa phương cấp tỉnh hai bên, tại khu vực cửa khẩu phụ mỗi bên đã bố trí đặt các trạm Hải quan, Trạm biên phòng, Trạm kiểm dịch động thực vật.

b.2. Các cửa khẩu phụ được phép làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá chính ngạch theo hợp đồng thương mại gồm:

Cửa khẩu Việt Nam

Cửa khẩu Campuchia

1. Khánh Bình (An Giang)

Chrậy Thum (Kandal)

2. Bắc Đai (An Giang)

Bắc Đai (Tà Keo)

3. Vĩnh Hội Đông (An Giang)

Com PungKro Săng (Tà Keo)

4. Mỹ Quý Tây (Long An)

Xôm rông (Svayriêng)

5. Vàm Đồn (Long An)

Srebarăng (Svayriêng)

5. Thanh toán hàng hoá mua bán, trao đổi và dịch vụ thương mại qua biên giới giữa hai nước:

a. Đồng tiền thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới giữa hai nước là ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc đồng Việt Nam hoặc đồng Riel Campuchia.

b. Phương thức thanh toán do các bên mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại thoả thuận phù hợp với các phương thức thanh toán xuất, nhập khẩu qua ngân hàng theo thông lệ quốc tế hoặc các quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc mua bán hàng hoá qua biên giới.

6. Thủ tục hải quan và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng hoá:

Hàng hoá xuất, nhập khẩu qua biên giới giữa hai nước phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của hải quan và chịu các loại thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

7. Tổ chức thực hiện:

7.1. Hàng hoá của cư dân biên giới mua bán, trao đổi tại các chợ biên giới do chính quyền địa phương mỗi bên mở tại khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, thực hiện theo Quy chế tổ chức và quản lý chợ biên giới Việt Nam - Campuchia ký ngày 8/6/1999.

7.2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

Phan Thế Ruệ

(Đã ký)

 

[...]