Thông tư 1-BT năm 1982 về Điều lệ về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng Bộ trưởng do Bộ trưởng Tổng thư ký ban hành

Số hiệu 1-BT
Ngày ban hành 04/01/1982
Ngày có hiệu lực 19/01/1982
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ trưởng Tổng thư ký
Người ký Đặng Thi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-BT

Hà Nội, ngày 04 tháng 1 năm 1982

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ SỐ 1-BT NGÀY 4 THÁNG 1 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ

Ngày 29 tháng 12 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ về Chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng Bộ trưởng. Thông tư này nêu lên những việc các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương cần làm để thực hiện điều lệ nói trên.

1. Làm tốt việc phổ biến bản điều lệ: Các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương cần tổ chức phổ biến nội dung bản điều lệ cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và các cán bộ giúp Bộ, Uỷ ban làm các công tác có liên quan đến việc thi hành điều lệ như nghiên cứu xây dựng chính sách, chế độ hoặc kiểm tra việc chấp hành chính sách, chế độ, quản lý việc ban hành văn bản, v.v...

2. Tổ chức thực hiện bản điều lệ trong ngành, địa phương: mỗi ngành địa phương căn cứ vào các quy định trong điều lệ và những ưu khuyết điểm trong cách làm việc của ngành, địa phương để ra những việc làm cụ thể, thiết thực để thi hành điều lệ, chú trọng các khâu sau đây:

- Quy định rõ loại việc thủ trưởng ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết, những việc thủ trưởng ngành hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân có thể uỷ nhiệm cho người phó hoặc các thành viên khác trong Uỷ ban nhân dân giải quyết;

- Quy định chế độ thông tin báo cáo trong ngành, địa phương và những biện pháp cần thực hiện để thủ trưởng ngành và Uỷ ban nhân dân nắm được kịp thời, đầy đủ các thông tin, báo cáo với cấp trên;

- Quy định chế độ xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy của ngành, địa phương bảo đảm phục vụ kịp thời việc điều hành và quản lý của Chính phủ hoặc của ngành, địa phương, nội dung các văn bản được đúng pháp luật, phù hợp với thực tế;

- Quy định chế độ thanh tra và kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Chính phủ; của thủ trưởng ngành hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố;

- Quy định chế độ tiếp nhận và giải quyết các việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân;

- Quy định chế độ hội họp.

Các quy định nói trên phải căn cứ và không được trái với nội dung của điều lệ và các vản bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành bản điều lệ.

Ban tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, giúp đỡ các ngành, địa phương xây dựng các quy định nói trên và phổ biến kịp thời những việc làm tốt để các nơi rút kinh nghiệm.

3. Chấn chỉnh và kiện toàn một bước các tổ chức giúp việc quản lý hành chính Nhà nước.

Cần soát xét lại các bộ máy làm các công tác hành chính, nghiên cứu, tổng hợp hoặc kiểm tra, có biện pháp bổ sung hoặc thay đổi cần thiết để các tổ chức này đủ sức làm việc và có thể triển khai ngay việc thực hiện các công việc cụ thể đã quy định trong điều lệ, cần có kế hoạch bồi dưỡng cho những cán bộ đang làm các công tác nói trên (dưới hình thức tập huấn hoặc hội nghị bồi dưỡng) những vấn đề cần thiết có liên quan.

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng cùng Trường Hành chính Trung ương có nhiệm vụ giúp các ngành, địa phương trong việc tổ chức bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác văn phòng.

Trên đây là một số việc cần làm để thực hiện điều lệ. Yêu cầu các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương trong khi thực hiện, nếu thấy có vấn đề gì cần điều chỉnh bổ sung, cần phản ánh kịp thời cho Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng để nghiên cứu hướng dẫn thêm.

 

Đặng Thi

(Đã ký)