Thông tư 09/2006/TT-BTC hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản, xử lý hàng cứu hộ, cứu nạn sau khi xuất kho dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 09/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 09/02/2006
Ngày có hiệu lực 09/03/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, BẢO QUẢN, XỬ LÝ HÀNG CỨU HỘ, CỨU NẠN SAU KHI XUẤT KHO DỰ TRỮ QUỐC GIA

Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia số 17/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản, xử lý hàng cứu hộ, cứu nạn sau khi xuất kho dự trữ quốc gia như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản, xử lý hàng cứu hộ, cứu nạn sau khi xuất kho dự trữ quốc gia giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương để phục vụ kịp thời công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh.

2. Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ, ngành, địa phương) và các cơ quan, đơn vị,  tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản, xử lý hàng cứu hộ, cứu nạn từ nguồn dự trữ quốc gia.

3. Hàng cứu hộ, cứu nạn tiếp nhận từ nguồn dự trữ quốc gia được quản lý theo Thông tư này và các quy định chung về quản lý tài sản Nhà nước hiện hành; chỉ được sử dụng vào mục đích tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Giao nhận hàng cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia.

1.1. Căn cứ xuất hàng:

- Việc xuất hàng cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính để phục vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh.

- Trường hợp khẩn cấp phải đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, trong khi chờ quyết định bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xuất cấp hàng cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia, Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc nhanh nhất để chỉ đạo ngay việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia kịp thời phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh. Sau đó chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày xuất hàng phải hoàn tất các thủ tục xuất hàng theo quy định.

1.2. Bên giao hàng:

Cục Dự trữ quốc gia chịu trách nhiệm chuẩn bị nguồn hàng, kế hoạch xuất hàng; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc phân bổ và tiếp nhận hàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hàng được giao phải đủ số lượng, đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng và thời gian thực hiện theo quy định. Việc giao nhận hàng được tiến hành tại cửa kho dự trữ quốc gia trên phương tiện của đơn vị nhận hàng.

Thủ trưởng các đơn vị dự trữ quốc gia trực tiếp xuất cấp hàng phải chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương để nhanh chóng xuất hàng cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Cục Dự trữ quốc gia để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu đáp ứng ngay hàng cứu hộ, cứu nạn phục vụ nhiệm vụ, các đơn vị dự trữ quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển giao hàng tận nơi cho các đơn vị nhận hàng theo quyết định của Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia.

1.3. Đơn vị nhận hàng:

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp nhận hàng hoặc phân bổ hàng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng hàng cứu hộ, cứu nạn. Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị được phân bổ hàng chủ động làm việc ngay với cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia để nhận hàng theo quy định hiện hành.

Các cơ quan, đơn vị được phân bổ hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm liên hệ với các Dự trữ quốc gia khu vực để thống nhất thời gian, địa điểm nhận hàng, bố trí người và phương tiện đến các kho dự trữ quốc gia để tiếp nhận hàng đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

1.4. Hồ sơ, thủ tục giao nhận:

- Đơn vị giao hàng dự trữ quốc gia phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về việc xuất kho dự trữ quốc gia, cụ thể:

+ Lập biên bản giao nhận hàng, trong đó ghi rõ họ tên, chức vụ người nhận hàng, đơn vị nhận hàng, số lượng, tình trạng chất lượng kỹ thuật của từng loại hàng kèm theo phiếu xuất kho.

+ Hàng được giao kèm theo các hồ sơ về kỹ thuật hàng hoá, phiếu kiểm tra chất lượng, đăng kiểm hàng (nếu là hàng có đăng kiểm), hướng dẫn sử dụng (nếu có).

- Đơn vị nhận hàng phải xuất trình bản chính hoặc bản sao y bản chính quyết định của các Bộ, ngành, địa phương về cấp hàng cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia. Người nhận hàng phải có giấy giới thiệu đến nhận hàng dự trữ quốc gia (bản chính) của cơ quan và chứng minh thư nhân dân hoặc chứng minh thư quân đội, công an (nếu người đó là quân nhân, công an).

- Trong trường hợp xuất hàng cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia khẩn cấp theo điểm 1.1 khoản 1 của Thông tư này thì khi đến cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia làm thủ tục nhận hàng, người nhận hàng phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị và chứng minh nhân dân hoặc chứng minh quân đội, công an. Cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia phải thu giấy giới thiệu của người nhận hàng, lập biên bản giao hàng trong đó ghi rõ số chứng minh thư người nhận hàng, tên đơn vị nhận hàng, số lượng hàng, số biển kiểm soát xe ô tô chở hàng, kèm theo các tài liệu, hồ sơ cho đơn vị nhận hàng. 

2. Nhập hàng cứu hộ, cứu nạn tiếp nhận từ kho dự trữ quốc gia.

2.1. Nhập hàng mới tiếp nhận từ kho dự trữ quốc gia.

[...]