Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 09/2001/TT-BLĐTBXH hướng dẫn hoàn thành xác nhận người có công với cách mạng trong 3 thời kỳ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 09/2001/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 28/05/2001
Ngày có hiệu lực 28/05/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2001/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 09/2001/TT-BLĐTBXH NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN VIỆC HOÀN THÀNH XÁC NHẬN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TRONG 3 THỜI KỲ

Hơn 50 năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Hàng triệu người có công đã được xác nhận và giải quyết quyền lợi theo đúng qui định của Nhà nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác xác nhận người có công trong các thời kỳ cách mạng được các địa phương, các cơ quan tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 105/CT ngày 29 tháng 4 năm 1989 và Chỉ thị số 551/NC ngày 2 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và hướng dẫn của các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể chức năng ở Trung ương; Đến nay công tác xác nhận người có công đã hoàn thành về cơ bản.

Để có cơ sở xem xét, kết luận việc xác nhận người có công trong các thời kỳ cách mạng ở các Bộ, Ngành, các địa phương;

Thực hiện văn bản số 150/CP-VX ngày 07 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ;

Trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến tham gia của các địa phương; Sau khi thống nhất với các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện việc hoàn thành xác nhận Người có công với cách mạng trong 3 thời kỳ như sau:

I/ ĐỐI TƯỢNG HOÀN THÀNH XÁC NHẬN:

1- Người bắt đầu hoạt động cách mạng trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 chưa được xét xác nhận người hoạt động cách mạng "Tiền khởi nghĩa";

2- Người hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng và trong kháng chiến chưa được xét xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

3- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày;

II/ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC HỒ SƠ VÀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT:

1/ Đối với người bắt đầu hoạt động cách mạng trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 đề nghị xét xác nhận người hoạt động cách mạng "Tiền khởi nghĩa" thì điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Điều 9-Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 06/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTCTW ngày 08 tháng 02 năm 1999 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội-Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

2- Đối với người hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng và trong kháng chiến đề nghị xét xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thì điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Điều 11 (đối với liệt sĩ), Điều 25 (đối với thương binh) Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng-Bộ Công an; Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 6 tháng 7 năm 1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 3 tháng 11 năm 1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hướng dẫn số 390/X11 (X13) ngày 01 tháng 4 năm 1999 của Tổng Cục III - Bộ Công an; Hướng dẫn số 107/LC-CS-QY-TC ngày 10 tháng 3 năm 1999 của Liên Cục Chính sách-Quân y-Tài chính - Bộ Quốc phòng; Công văn số 548/CS ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng.

3- Đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày thì điều kiện, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền xác nhận thực hiện theo qui định tại Điều 53 Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư số 25/LĐTBXH-TT ngày 28 tháng 9 năm 1995 và Thông tư số 27/2000/TT-BLĐTBXH ngày 09 tháng 11 năm 2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các đối tượng qui định trên đây được gọi chung là người có công với cách mạng.

III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Để hoàn thành công tác xác nhận, đề nghị xác nhận người có công với cách mạng trong ba thời kỳ theo qui định của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các cấp lưu ý một số vấn đề sau:

1. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo).

2. Tổ chức tuyên truyền, thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc sinh hoạt, hội nghị về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng và việc hoàn thành công tác xác nhận người có công theo nội dung Công văn số 150/CP-VX ngày 07 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Việc phát hiện, đề nghị và xem xét xác nhận người có công phải thực hiện công khai, dân chủ từ thôn, ấp, xã, phường, đơn vị cơ sở .

4. Uỷ ban Nhân dân xã/phường/thị trấn (gọi chung là Uỷ ban Nhân dân cấp xã) tiến hành các bước sau:

a. Hướng dẫn việc tổ chức họp dân ở các thôn, ấp để phát hiện, kê khai lập danh sách làm thủ tục đề nghị xác nhận (đơn đề nghị, bản khai, giấy xác nhận...) những trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn chưa được xét xác nhận qui định tại mục I của Thông tư này.

b. Tổ chức hội nghị báo cáo Ban chỉ đạo cấp xã (Hội đồng xác nhận) xem xét, kết luận từng trường hợp còn tồn sót và đề nghị xác nhận những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Những trường hợp đã được các cấp, các cơ quan có thẩm quyền hoặc Ban chỉ đạo xác minh, kết luận là không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì không đưa vào danh sách tồn sót mà giải thích để bản thân đối tượng và nhân dân được rõ (trừ trường hợp còn có khiếu nại, vướng mắc cần được tiếp tục xem xét). Kết luận của ban chỉ đạo được lập thành biên bản ( mẫu số 01 - 02 bản ) kèm theo 02 danh sách ( mẫu số 02A1, 02A2 và 02 B - mỗi danh sách 2 bản).

c. Biên bản, danh sách đề nghị xác nhận người có công và danh sách người không đủ điều kiện xác nhận ( nhưng còn khiếu nại vướng mắc ) được niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban Nhân dân cấp xã và tổ chức việc thông báo để nhân dân và từng đối tượng biết. Sau 15 ngày, Uỷ ban Nhân dân thông qua Ban chỉ đạo xem xét cụ thể những vấn đề thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của nhân dân, sau đó hoàn chỉnh 02 danh sách và biên bản theo mẫu nói trên.

d. Trước ngày 31 tháng 8 năm 2001, Uỷ ban Nhân dân cấp xã hoàn thành việc xem xét, làm thủ tục hồ sơ đề nghị xác nhận người có công ở xã mình theo quy định và gửi 02 danh sách kèm theo hồ sơ, biên bản về Uỷ ban Nhân dân cấp huyện (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Tổ chức-Lao động - Xã hội - gọi chung là Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội).

Trường hợp không còn tồn sót người có công với cách mạng quy định tại thông tư này chưa được xét xác nhận thì Uỷ ban Nhân dân cấp xã cũng phải lập biên bản gửi Uỷ ban Nhân dân cấp huyện.

5. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, căn cứ uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, tiếp nhận biên bản, hồ sơ và danh sách của Uỷ ban Nhân dân cấp xã, tổ chức lưu giữ danh sách không đủ điều kiện xác nhận làm cơ sở xử lý, giải quyết sau này; tiến hành phân loại, lập danh sách từng đối tượng được đề nghị xác nhận ( theo nội dung mẫu số 02A1, 02A2 - 02 bản), tổng hợp theo mẫu số 06 (02 bản) và biên bản (theo nội dung mẫu số 01) trình Ban chỉ đạo cấp huyện phê duyệt, sau đó thực hiện việc giải quyết từng trường hợp theo thẩm quyền quản lý của các cơ quan dưới đây.

a. Trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân cấp huyện thì kiểm tra, lập thủ tục hồ sơ trình xét cấp giấy chứng nhận và hoàn chỉnh hồ sơ chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo qui định.

[...]