Thông tư 08-NV-TT-PQC năm 1957 quy định tạm thời chế độ thù lao làm thêm giờ do Bộ Nội Vụ ban hành

Số hiệu 08-NV-TT-PQC
Ngày ban hành 18/01/1957
Ngày có hiệu lực 02/02/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Văn Bạch
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-NV-TT-PQC

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ THÙ LAO LÀM THÊM GIỜ

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng các Bộ,
- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính liên khu, Khu tự trị, thành phố, tỉnh
- Văn phòng Thủ tướng phủ
- Các đoàn thể trong Mặt trận

 

Trong khi thi hành Thông tư 12-TT-LB ngày 05-07-1956 của Liên Bộ Nội vụ - Lao động – Tài chính về chế độ thù lao làm thêm giờ, các ngành các cấp gặp nhiều lúng túng vì Thông tư ấy không cụ thể cho từng loại công tác và chưa sát, nên việc áp dụng mỗi nơi mỗi khác, không thống nhất, đã gây ra nhiều khó khăn.

Căn cứ trên sự phản ảnh và đề nghị của một số cơ quan trung ương và địa phương, Liên Bộ Nội vụ - Lao động – Tài chính nhận thấy cần phải nghiên cứu lại vấn đề thù lao làm thêm giờ. Sau khi có sự thỏa thuận của Bộ Lao động và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định cách giải quyết tạm thời như sau:

1. – Đối với những cán bộ, nhân viên làm việc giờ công sở là 8 tiếng (cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật, nhân viên hành chính, quản trị...) vì nhu cầu công tác bất thường và đặc biệt, được Thủ trưởng cơ quan yêu cầu phải làm việc kéo dài thời gian ngoài giờ chính thức đã quy định, thì:

a) Nếu bất thường phải làm việc ngoài giờ trong ngày thường, mỗi ngày liền từ 2 tiếng trở lên thì được bồi dưỡng 400 đ.

b) Ngày chủ nhật và ngày lễ, nếu công tác cần thiết phải làm thêm giờ, liền từ 2 tiếng trở lên thì được hưởng 400 đ, và cả ngày từ 5 tiếng trở lên thì hưởng 800 đ.

2. – Đối với những cán bộ nhân viên ở các công sở làm việc có tổ chức theo kíp hay luân phiên, thường trực thì quy định như sau:

a) Nếu đã làm theo kíp, luân phiên, thường trực theo giờ quy định lương đương 8 tiếng mỗi ngày thì không có bồi dưỡng, mặc dù phải làm đêm, hay ngày chủ nhật, ngày lễ.

b) Nếu công việc cấp thiết mà Thủ trưởng cơ quan yêu cầu phải làm thêm ngoài giờ thì cũng hưởng như điều 1.

3. – Trường hợp công tác thường xuyên có tính chất khác thường, không đóng khung trong khuôn khổ giờ giấc chung được, thường lại phải làm việc cả ngày chủ nhật, ngày lễ; hoặc có lúc bậc lúc rỗi, như: lái xe, bảo vệ, cần vụ cấp dưỡng, v.v... thì quy định như sau:

a) Nói chung cơ quan cần có nội quy, chế độ công tác riêng cho từng loại công nhân, nhân viên ấy, ngày thường không áp dụng cách bồi dưỡng như các loại công tác trên.

b) Riêng ngày chủ nhật, ngày lễ, nếu phải làm việc mà không người thay thế cho nghỉ bù được, thì được hưởng bồi dưỡng theo chi tiết b) điều 1.

4. – Đối với những cán bộ, nhân viên làm những công việc bất thường, có tính chất huy động đông đảo nhân dân tham gia như: thiên tai, hạn hán, chống bão lụt, đi mít tinh, đón phái đoàn v.v.... hoặc làm công tác vận động quần chúng như đi làm công tác sửa sai... thì không áp dụng chế độ bồi dưỡng này.

- Cách giải quyết trên đây tạm thời thay thế cho Thông tư 12-TT-LB trong khi chờ đợi Liên Bộ nghiên cứu vấn đề thù lao làm thêm giờ cho từng loại công tác khác nhau tương đối sát và hợp lý hơn.

- Công văn này sẽ thi hành từ ngày nhận được và chỉ áp dụng cho các cơ quan chính quyền từ trung ương đến huyện. Những trường hợp trước đây chưa áp dụng Thông tư số 12-TT-LB thì nay cũng không thanh toán lại.

- Điều cần chú ý là trong hoàn cảnh hiện tại, công việc bề bộn, lại gấp rút và khẩn trương, phải tranh thủ thời gian để đảm bảo công tác tốt. Nhưng đứng về phương diện lãnh đạo cần chú trọng bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, sử dụng cán bộ, nhân viên làm ngoài giờ, rất hạn chế càng ít càng hay, Khi làm việc giờ cần tổ chức sắp xếp cho cán bộ, nhân viên được nghỉ bù, trường hợp không cho nghỉ bù được mới áp dụng chế độ bồi dưỡng.

Đối với cán bộ, nhân viên già yếu, sức khỏe kém, phụ nữ có thai và có con mọn thì nên tránh sự dùng làm ngoài giờ để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên.

- Trong khi thi hành, các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương cần phối hợp cùng với công đoàn giải thích cho cán bộ, nhân viên hiểu rõ và thông cảm những khó khăn trở ngại của việc áp dụng Thông tư số 12-TT-LB mà tạm áp dụng chế độ bồi dưỡng trên này.

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Phạm Văn Bạch