Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị định 92-CP năm 1993 hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Số hiệu 92-CP
Ngày ban hành 27/11/1993
Ngày có hiệu lực 27/11/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 92-CP NGÀY 27-11-1993 VỀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 15-2-1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1 - Ban hành kèm theo Nghị định này:

- Điều lệ về bảo vệ thực vật;

- Điều lệ về kiểm dịch thực vật;

- Điều lệ về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

- Quy định về hệ thống tổ chức, thanh tra chuyên ngành, giải quyết tranh chấp và lệ phí, phí tổn về công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

- Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 2 - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ VỀ BẢO VỆ THỰC VẬT
(Ban hành kèm theo Nghị định số 92-CP ngày 27-11-1993 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Điều lệ này quy định về công tác trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.

Điều 2.

1. Tài nguyên thực vật phải được bảo vệ bao gồm cây và sản phẩm của cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây làm thức ăn gia súc, cây làm thuốc, cây cảnh và cây có ích khác...

2. Những sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phải trừ diệt bao gồm sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, cây dại, chuột, chim gây hại và những tác nhân sinh vật gây hại khác (gọi chung là sinh vật gây hại).

Điều 3. - Việc bảo vệ tài nguyên thực vật phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Tiến hành thường xuyên, lấy biện pháp phòng là chính, diệt trừ kịp thời;

2. Kết hợp giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài, giữa lợi ích Nhà nước và toàn xã hội với lợi ích cá nhân;

3. Đảm bảo phòng, trừ sinh vật gây hại phải đạt hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn cho người, sinh vật và không làm ô nhiễm môi trường sinh thái;

4. Biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phải được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, phải sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, coi trọng kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân. Dùng thuốc bảo vệ thực vật chỉ là một trong những biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật, thuốc bảo vệ thực vật chỉ dùng khi thật cần thiết, khi sử dụng thuốc phải tuân theo quy định và hướng dẫn của cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

[...]