Thông tư 07-LĐ-TT năm 1956 thi hành Nghị định 703-TTg quy định việc trợ cấp cho gia đình có người giúp việc Chính phủ bị chết vì tai nạn lao động do Bộ Lao động ban hành
Số hiệu | 07-LĐ-TT |
Ngày ban hành | 01/04/1956 |
Ngày có hiệu lực | 01/04/1956 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động |
Người ký | Nguyễn Văn Tạo |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ LAO ĐỘNG |
VIỆT NAM DÂN CHỦ
CỘNG HÒA |
Số: 07-LĐ-TT |
Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 1956 |
Nghị định số 703-TTg ngày 29-02-1956 của Thủ tướng Chính phủ quy định số tiền trợ cấp cho gia đình có người làm cán bộ công nhân hay nhân viên bị chết vì tai nạn lao động bằng 15 tháng lương kể cả phụ cấp bản thân và gia đình. Đồng thời nghị định này cũng quy định trách nhiệm của những người điều khiển hoặc ra lệnh công tác, là phải thi hành những thể lệ của Chính phủ về việc đảm bảo an toàn cho người làm việc và đề phòng tai nạn lao động.
Quy định trên chứng tỏ Đảng và Chính phủ luôn luôn chú ý săn sóc đến đời sống và công việc làm của cán bộ, công nhân, và nhân viên, nó chứng tỏ dưới chế độ dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tính mạng của con người rất được quý trọng.
1. - Khoản tiền trợ cấp:
Khoản tiền trợ cấp bằng 15 tháng lương chủ yếu là để giúp đỡ gia đình người cán bộ hay công nhân, nhân viên bị chết vì tai nạn lao động có thêm điều kiện để làm ăn sinh sống:
Khoản tiền trợ cấp này không phải là để bồi thường tính mạng con người đã bị chết, vì chúng ta rất quý trọng tính mạng con người. Chỉ có dưới chế độ tư bản mới đánh giá con người bằng tiền bạc.
Do đó cho nên điều 1 của nghị định cũng đã quy định nói là chỉ có vợ, chồng hoặc con của người cán bộ hay công nhân, nhân viên bị chết mới có quyền hưởng khoản tiền trợ cấp. Trường hợp người cán bộ hay công nhân, nhân viên bị chết không có vợ chồng hoặc con thì cha mẹ người bị chết mới có quyền hưởng khoản tiền trợ cấp đó.
Vợ hoặc chồng được hưởng khoản tiền trợ cấp là những người vợ hoặc chồng chính thức hay vợ kế của người bị chết do tai nạn lao động, đã sống chung ăn ở với nhau, có pháp luật công nhận, trường hợp không có giấy giá thú thì phải có chính quyền địa phương hoặc nhân dân địa phương xác nhận.
Những người con được quyền hưởng khoản tiền trợ cấp là những người con mà người bị chết vì tai nạn lao động phải nuôi nấng từ khi nhỏ, không phân biệt con đẻ hay con nuôi, miễn là có giấy khai sinh, trường hợp không có giấy khai sinh thì phải có chính quyền địa phương hoặc nhân dân địa phương xác nhận.
Cha mẹ là những người mà đã sinh hoặc đã nuôi nấng, săn sóc người bị chết vì tai nạn lao động từ khi nhỏ cho đến khi lớn lên, không phân biệt là cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi.
Trường hợp người bị chết không có vợ, chồng hoặc con hay cha mẹ thì những người thân thích mà người bị chết phải nuôi nấng, giúp đỡ, hay đã nuôi nấng người bị chết lúc còn bé thì có thể xin lĩnh phụ cấp. Người xin lĩnh phụ cấp phải được chính quyền địa phương hoặc nhân dân địa phương xác nhận.
2. – Lao động là vốn quý nhất, tính mạng con người lao động phải được quý trọng. Cho nên Chính phủ đã ban hành những thể lệ đảm bảo an toàn cho người làm việc và đề phòng tai nạn giao động. Nhưng còn nhiều người phụ trách các cơ quan và xí nghiệp công trường dùng công nhân, nhân viên chưa chấp hành nghiêm chỉnh những thể lệ ấy.
Điều 2 của nghị định đã quy định rõ những người điều khiển hoặc ra lệnh công tác phải có trách nhiệm thi hành những thể lệ của Chính phủ về việc đảm bảo an toàn cho người làm việc và đề phòng tai nạn lao động Quy định này nhằm mục đích đề cao trách nhiệm, đề phòng tai nạn lao động trong cơ quan, xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và trên các công trường, ngăn ngừa những tai nạn xảy ra làm cho anh chị em cán bộ công nhân, nhân viên an tâm sản xuất bảo đảm thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước.
Điều 2 của nghị định cũng đã quy định “nếu vì thiếu tinh thần trách nhiệm không thi hành đúng thể lệ của Chính phủ để xảy ra tai nạn làm cho người làm công bị thương, bị có tật hoặc bị chết thì người có trách nhiệm có thể bị truy tố trước tòa án theo pháp luật”.
Đây là một biện pháp để thúc đẩy những người có trách nhiệm điều khiển hoặc ra lệnh công tác ở các cơ quan và xí nghiệp công trường luôn luôn chú ý đến trách nhiệm của mình. Đồng thời để trừng phạt những kẻ lơ là không triệt để thi hành những thể lệ của Chính phủ, mặc dầu Công đoàn và cơ quan Lao động đã nhiều lần can thiệp và để trừng trị những phần tử chui vào các cơ quan, xí nghiệp, công trường để phá hoại sản xuất, ngăn trở việc thực hiện kế hoạch nhà nước.
Để thi hành đầy đủ điều khoản này của nghị định, mỗi khi ở cơ quan hay ở các xí nghiệp và công trường ở các cơ sở sản xuất và kinh doanh có tai nạn xảy ra thì phải báo cáo với cơ quan lao động địa phương (nếu có) hoặc Ủy ban hành chính tỉnh địa phương biết như thông tư số 13-TT-LB của Liên bộ Nội vụ - Lao động – Tài chính – Y tế ngày 11-11-1955 đã quy định.
II – PHẠM VI VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
1. – Những điều khoản quy định trong nghị định số 703-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho tất cả các loại cán bộ, công nhân, nhân viên làm việc ở các xí nghiệp Chính phủ, các doanh nghiệp quốc gia, các công trường, các nông trường, các hầm mỏ và các cơ quan chính quyền đoàn thể thuộc dự toán tỉnh và dự toán trung ương không phân biệt công nhân, nhân viên lương tháng, lương khoán hay lương ngày và thuộc quốc tịch nào.
2. – Hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành nghị định, những gia đình có người chết vì tai nạn lao động, trước ngày ban hành nghị định không được truy lĩnh thêm, Trường hợp cán bộ hay công nhân, nhân viên bị chết vì tai nạn lao động trước ngày ban hành nghị định (29-02-1956) nhưng nay gia đình người bị chết đó mới xin lĩnh trợ cấp, thì cũng chỉ được trợ cấp 12 tháng lương kể cả phụ cấp bản thân và gia đình theo như điều 40 của sắc lệnh 77-SL, ngày 22-05-1950 đã quy định.
Trên đây là những ý nghĩa và mục đích lớn và cách thức thi hành nghị định. Đề nghị các Ủy ban hành chính các cấp Khu, Tỉnh, các cơ quan lao động địa phương cùng với công đoàn các cấp phổ biến rộng rãi và theo dõi sự thi hành cho được đầy đủ.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |