Thông tư 06-TC/HCP/P3 năm 1960 về việc thanh toán các trường hợp tồn tại về công phiếu, công trái do Bộ Tài Chính ban hành.

Số hiệu 06-TC/HCP/P3
Ngày ban hành 25/02/1960
Ngày có hiệu lực 11/03/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Chứng khoán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-TC/HCP/P3

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THANH TOÁN CÁC TRƯỜNG HỢP TỒN TẠI VỀ CÔNG PHIẾU, CÔNG TRÁI

Kính gửi:

Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố
Các khu, Sở, Ty Tài chính.

 

Hiện nay, đợt 1 trả công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia căn bản đã kết thúc.

Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 464-TTg ngày 26-12-1959 cho trả tiếp đợt 2, nhằm giải quyết các trường hợp tồn tại, theo nguyên tắc sau đây:

I. NGUYÊN TẮC

1. Có vay có trả, nhưng phải trả đúng, không trả một phiếu hai lần hoặc trả lầm cho người không phải là chủ phiếu. Do đó, đối với phiếu chính thức hợp lệ và biên lai hợp lệ thì thanh toán, đối với các giấy tờ chứng nhận khác do các cơ quan hay cá nhân biên nhận đều không coi là biên lai hợp lệ và không thanh toán.

2. Đối với phiếu của tư sản cũng thanh toán, nhưng cơ quan tài chính chuyển toàn bộ số tiền sẽ thanh toán sang Ngân hàng để Ngân hàng giải quyết theo thể lệ quản lý tiền mặt.

3. Đối với phiếu của địa chủ kháng chiến, địa chủ thường thì cũng thanh toán, nhưng chỉ thanh toán đến 500 đồng; đối với số tiền còn lại, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh phải xét kỹ từng trường hợp cụ thể để quyết định xem có nên thanh toán không, và nếu cho thanh toán, thì cũng chỉ thanh toán dần.

Đối với phiếu của địa chủ cường hào gian ác thì không thanh toán.

Đối với phiếu tịch thu của địa chủ trong giảm tô và cải cách ruộng đất, cũng không thanh toán, theo đúng chính sách sửa sai.

Căn cứ vào những nguyên tắc trên đây, thì chỉ những trường hợp có phiếu chính thức hợp lệ, biên lai hợp lệ, của các cơ quan phụ trách bán công phiếu kháng chiến và công trái quốc gia cấp mới được thanh toán.

Vì vậy các địa phương cần nắm vững nguyên tắc trên để giải quyết những trường hợp cụ thể, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người cho vay, đồng thời tránh trả lầm lẫn, gây thiệt hại cho công quỹ.

II. GIẢI QUYẾT NHỮNG TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Dưới đây là những trường hợp cụ thể và hướng giải quyết:

A. TRƯỜNG HỢP CÓ PHIẾU

1. Phiếu để quá hạn còn sót lại trong đợt 1 hiện chưa được thanh toán:

Địa phương sẽ tiếp tục báo cáo theo tinh thần Thông tư số 752-TC/HCP/P3 ngày 07-09-1959 để Bộ giải quyết nốt các phiếu đó, trong đợt 2 này.

2. Phiếu ghi bí danh:

Phiếu ghi bí danh thường là phiếu bán ở vùng hậu dịch. Nếu xác minh người có phiếu đúng là chủ phiếu thì trả được.

3. Phiếu còn nguyên cả cuống, phiếu không đề tên, không có dấu, lại không có chữ ký. Phiếu chữa tên, ngày tháng năm. Phiếu không ghi ngày tháng năm:

Phiếu bán ở tỉnh nào sẽ do Ủy ban hành chính tỉnh đó điều tra, xác minh và quyết định trả hay không cho trả.

Đối với các phiếu tẩy chữa, có vết tích cụ thể, thì địa phương sẽ giữ phiếu lại, không thanh toán, đồng thời cảnh cáo chủ phiếu (Xem Thông tư số 314-TC/HCP/P3 ngày 12-02-1958).

Đối với công phiếu kháng chiến không ghi ngày tháng năm, sẽ giải quyết theo tinh thần Thông tư số 132-TC/TDT ngày 15-01-1957.

4. Phiếu tập thể:

Giải quyết theo tinh thần Thông tư số 1809-TC/HCP/P3 ngày 31-08-1958.

Đối với phiếu đứng tên cá nhân đại diện cho tập thể, cũng giải quyết như trên.

[...]