Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 05/TT-NH7 năm 1993 hướng dẫn Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý, ban hành kèm theo Nghị định 67-CP 1993 do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 05/TT-NH7
Ngày ban hành 10/03/1994
Ngày có hiệu lực 10/03/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Văn Châu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/TT-NH7

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 1993

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 05/TT-NH7 NGÀY 10-3-1994 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, KHAI THÁC MỎ, CHẾ TÁC VÀ BUÔN BÁN ĐÁ QUÝ, BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 67CP NGÀY 7-10-1993 CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 7-10-1993, Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý. Căn cứ Điều 3 Quy chế trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động gia công, chế tác và buôn bán đá quý như sau:

I. QUYỀN LỢI HỢP PHÁP VỀ ĐÁ QUÝ VÀ PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH ĐÁ QUÝ

(Điều 3, Điều 5, Điều 14 và Điều 20)

1. Các tổ chức và công dân Việt Nam có đá quý nói tại Điều 1 của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 67-CP, không kể khối lượng nhiều hay ít đều được Nhà nước thừa nhận quyền lợi hợp pháp, trừ trường hợp: Tổ chức và công dân có các hoạt động phạm pháp để có được số đá quý đó.

Các tổ chức và công dân có đá quý hợp pháp được quyền cất giữ, vận chuyển, chuyển nhượng, hoặc gửi các Ngân hàng giữ hộ, theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về dịch vụ nhận bảo quản hộ kim khí quý, đá quý, ngọc trai... Việc mua bán đá quý dưới dạng nguyên liệu trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện tại các trung tâm mua bán đá quý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hoặc tại các cửa hàng mua bán đá quý có giấy phép kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

2. Nhà nước quản lý những viên đá quý có giá trị đặc biệt, cụ thể là những viên đá quý đạt tiêu chuẩn ngọc có trọng lượng từ 50 carat trở lên với Ruby, từ 1.000 carat trở lên với saphia, có mầu sắc hồng đậm trở lên với Ruby, mầu lam vừa đến thẫm với saphia, có độ trong suốt cao, độ rạn nứt dưới 15% và kích thước tương đối đều, có thể chế tác thành những viên ngọc có hình dạng khác nhau. Các tổ chức và cá nhân có những viên đá quý nói trên phải bán cho Nhà nước theo giá thị trường.

3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động gia công, chế tác, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm định đá quý và mở cửa hàng kinh doanh đá quý ở nước ngoài.

II. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC, PHẠM VI KINH DOANH VÀ TRÁCH NHIỆM

(Điều 17, 18 và 20)

1. Đối tượng được phép hoạt động kinh doanh đá quý là:

Các tổ chức kinh tế (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) được thành lập theo quy định của pháp luật và các công dân Việt Nam có đủ điều kiện để gia công chế tác, buôn bán đá quý theo điểm 2, phần II của Thông tư này.

2. Điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh đá quý.

a. Về vốn đầu tư ban đầu:

a.1. Các doanh nghiệp Nhà nước phải có vốn đầu tư ban đầu là một tỷ đồng.

a.2. Các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần phải có vốn đầu tư ban đầu là ba trăm triệu đồng.

a.3. Các doanh nghiệp tư nhân phải có vốn đầu tư ban đầu là hai trăm triệu đồng.

a.4. Các hộ cá thể phải có vốn đầu tư ban đầu là một trăm triệu đồng.

Vốn đầu tư ban đầu nói tại điểm (a) trên đây, là mức vốn tối thiểu mà các doanh nghiệp và hộ cá thể phải có để kinh doanh đá quý.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước vốn đầu tư ban đầu là vốn Ngân sách Nhà nước cấp cho đơn vị hoạt động, được Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp Trung ương), Sở Tài chính (đối với doanh nghiệp địa phương) chứng nhận về nguồn vốn và mức vốn được cấp, hoặc chứng nhận của ngân hàng, nếu doanh nghiệp được đầu tư bằng vốn vay.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần vốn đầu tư ban đầu là vốn điều lệ, do các thành viên đóng góp và được ghi vào điều lệ công ty.

Đối với doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể, vốn kinh doanh là tiền Việt Nam, ngoại tệ hoặc vàng phải gửi ở Ngân hàng và được Ngân hàng nơi mở tài khoản chứng nhận. Vốn là tài sản bằng hiện vật thì phải có chứng nhận của cơ quan công chứng.

Đối với các doanh nghiệp đã thành lập trước đây, kinh doanh các ngành, nghề khác, muốn xin mở rộng thêm ngành kinh doanh đá quý, ngoài số vốn có trước đây phải có thêm số vốn tối thiểu quy định trong Thông tư này.

b. Về chuyên môn kỹ thuật:

Các tổ chức kinh tế và cá nhân kinh doanh đá quý phải có:

Thợ chuyên môn am hiểu về đá quý (biết phân biệt loại đá, chất lượng và giá trị thương phẩm).

Phải có dụng cụ, thiết bị kỹ thuật để cân đo, kiểm định chất lượng đá quý chính xác và được Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp và cá nhân đặt trụ sở cấp giấy phép sử dụng phương tiện đó.

[...]