Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Nghị định 67-CP năm 1993 ban hành Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý

Số hiệu 67-CP
Ngày ban hành 07/10/1993
Ngày có hiệu lực 07/10/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 67-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 67-CP NGÀY 7-10-1993 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, KHAI THÁC MỎ, CHẾ TÁC VÀ BUÔN BÁN ĐÁ QUÝ 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản ngày 28 tháng 7 năm 1989 và Nghị định số 95-HĐBT ngày 25-3-1992 về việc thi hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý.

Điều 2.- Nghị định này thay thế Quyết định số 333-CT ngày 23-10-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tổ chức quản lý các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý.

Điều 3.- Bộ trưởng các Bộ Công nghiệp nặng, Tài chính, Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước căn cứ Nghị định này, ban hành các Thông tư hướng dẫn thay thế Quy chế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 333-CT ngày 23-10-1991 và các Quy chế tạm thời đã ban hành trước đây.

Điều 4.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, KHAI THÁC MỎ, CHẾ TÁC VÀ BUÔN BÁN ĐÁ QUÝ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 67-CP ngày 7-10-1993 của Chính phủ)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đá quý nói trong Quy chế này là các loại ngọc tự nhiên như kim cương, rubi, saphia. emơrốt...

Điều 2. Việc khai thác đá quý cũng như việc thành lập doanh nghiệp khai thác đá quý phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

Mọi hoạt động điều tra địa chất, khai thác, chế tác, buôn bán đá quý (kể cả xuất nhập khẩu) đều phải tuân theo các quy định của Quy chế này, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước các lĩnh vực tương ứng và của chính quyền địa phương các cấp.

Điều 3. Bộ Công nghiệp nặng thống nhất quản lý Nhà nước công tác điều tra địa chất, khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên đá quý, bảo vệ môi trường có liên quan đến khai thác đá quý.

Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý Nhà nước các hoạt động chế tác, buôn bán, tổ chức thị trường đá quý ở trong nước và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đá quý.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành các loại thuế liên quan đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh đá quý; chủ trì Hội đồng đấu thầu khai thác đá quý.

Bộ Nội vụ ban hành và kiểm tra, giám sát việc thi hành quy chế bảo vệ các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý.

Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư tổ chức thẩm định để cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư nước ngoài, phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan giám sát kiểm tra hoạt động của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác - chế tác - buôn bán đá quý.

Điều 4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ theo luật định, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, việc các tổ chức và cá nhân khai thác, kinh doanh đá quý thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo luật định; kiểm tra, giám sát việc thi hành và xử lý theo pháp luật các hoạt động trái phép trong điều tra địa chất, thăm dò, khai thác các mỏ đá quý, chế tác và buôn bán đá quý theo các điều khoản của Quy chế này và các quy định khác của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Uỷ ban nhân dân các địa phương có nhiệm vụ bảo vệ các khu vực có đá quý kể cả khu vực chưa có giấy phép khai thác, ngăn chặn việc khai thác và buôn bán đá quý trái phép.

Điều 5. Các tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam có năng lực pháp lý, đủ những điều kiện về tài chính và sản xuất kinh doanh theo các quy định của Bộ Công nghiệp nặng và Ngân hàng Nhà nước muốn khai thác, chế tác và buôn bán đá quý phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đã được Nhà nước cho phép khai thác, chế tác, buôn bán đá quý.

Điều 6. Nhà nước khuyến khích các tổ chức kinh tế và tư nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế tác và kinh doanh đá quý dưới mọi hình thức theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

II. CÔNG TÁC ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG THĂM DÒ CÁC MỎ ĐÁ QUÝ

[...]