Thông tư 04-TTLB năm 1958 về việc tổ chức đường thư trong huyện và trạm bưu chính xã ở đồng bằng và trung du do Bộ Giao Thông và Bưu Điện- Bộ Nội Vụ ban hành

Số hiệu 04-TTLB
Ngày ban hành 04/02/1958
Ngày có hiệu lực 19/02/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện,Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Hữu Mai,Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ NỘI VỤ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-TTLB

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐƯỜNG THƯ TRONG HUYỆN VÀ TRẠM BƯU CHÍNH XÃ Ở ĐỒNG BẰNG VÀ TRUNG DU

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các liên khu,
- Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
- Ủy ban Hành chính các tỉnh trực thuộc trung ương
- Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện

 

Hiện nay tình hình giao thông liên lạc trong huyện nói chung chưa được củng cố chặt chẽ. Việc chuyển và phát công văn, thư từ, báo chí còn chậm, nhầm lẫn, thất lạc; quyền tự do thư tín của nhân dân nhiều nơi không được tôn trọng.

Sở dĩ có tình trạng đó vì:

- Tổ chức bưu điện ở nông thôn hiện nay có nhiều chỗ chưa hợp lý, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thông tin của nhân dân ngày càng tăng. Thông tư 1885-TT/LB ngày 04-12-1953 của Liên bộ Giao thông Công chính và Nội vụ quy định tổ chức trạm bưu điện nông thôn, có một số điểm không được thích hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay.

- Việc phân cấp quản lý cho chính quyền các cấp đối với công tác giao thông liên lạc trong huyện chưa được quy định cụ thể, do đó nhiều địa phương lúng túng chưa rõ trách nhiệm.

- Quyền lợi kinh tế, chính trị của trưởng trạm và giao thông viên xã có chỗ chưa được thỏa đáng. Tư tưởng coi nhẹ công tác giao thông liên lạc vẫn còn phổ biến. Nhiều xã chọn trẻ em, người già yếu, tàn tật vào phụ trách công tác giao thông liên lạc nên không đảm bảo được công tác. Nhiều địa phương giao nhiệm vụ quá nhiều cho trưởng trạm và giao thông viên, khiến anh em phải mất nhiều thì giờ thoát ly sản xuất.

Tình trạng trên cần được chấn chỉnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc hiện nay của nhân dân và sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Do đó Liên bộ Giao thông và Bưu điện và Nội vụ quy định nguyên tắc về tổ chức và quản lý đường thư trong huyện nhằm làm cho việc giao thông liên lạc từ huyện về xã, xóm được điều hòa đảm bảo thư từ, báo chí, công văn, tài liệu, v.v… đến nay người nhận được nhanh chóng, an toàn.

I. TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ TRẠM BƯU CHÍNH XÃ

a) Tổ chức trạm bưu chính xã:

- Thành lập ở mỗi xã một trạm bưu chính xã.

- Trạm bưu chính xã là tổ chức chuyên môn của chính quyền xã, đồng thời cũng là đơn vị khai thác cuối cùng của bưu điện nằm trong hệ thống tổ chức của ngành bưu điện, chịu sự lãnh đạo hai chiều: của Ủy ban Hành chính xã và của phòng Bưu điện huyện.

- Trạm bưu chính xã có một trưởng trạm phụ trách và một số giao thông viên giúp việc, (căn cứ vào nhu cầu của xã để quy định số giao thông viên, có thể một hay hai, ba xóm có một giao thông viên).

- Trạm bưu chính xã nên đặt trụ sở ở gần hoặc đặt chung tại trụ sở Ủy ban Hành chính xã để tiện sự lãnh đạo, kiểm soát và giúp đỡ của ủy ban. Nơi nào thấy việc đặt trụ sở như trên có trở ngại cho việc trao đổi gói thư hàng ngày với phòng bưu điện huyện thì có thể đặt trụ sở ở nơi tiện đường liên lạc với huyện; điều cốt yếu là không trở ngại cho việc liên lạc với huyện và không trở ngại đến công tác ở xã.

b) Nhiệm vụ của trạm bưu chính xã:

Trạm bưu chính xã có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Liên lạc trao đổi gói thư với phòng bưu điện huyện hoặc các trạm trung tâm do phòng bưu điện huyện tổ chức, hoặc do giao thông viên của phòng huyện tới trạm để giao nhận gói thư.

- Phát công văn, thư từ, báo chí của phòng bưu điện chuyển về cho các cơ quan đoàn thể trong xã và nhận công văn, thư từ của các cơ quan, đoàn thể trong xã gửi lên huyện; phát thư từ báo chí co nhân dân trong xã và nhận thư từ của nhân dân chuyển lên phòng bưu điện huyện.

- Điều khiển liên lạc giữa xã và xóm.

- Bán tem, bán bưu thiếp.

- Cổ động nhân dân mua báo, thu nhận tiền của nhân dân mua báo, hướng dẫn nhân dân cách mua báo.

II. - CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA TRƯỞNG TRẠM VÀ GIAO THÔNG VIÊN

a) Trưởng trạm xã.

- Trưởng trạm bưu chính xã làm việc theo chế độ bán thoát ly (mỗi ngày làm việc một buổi) như các cán bộ bán thoát ly khác ở xã, trực tiếp làm các công việc đã quy định ở phần nhiệm vụ trạm bưu chính xã.

- Ở những xã trưởng trạm không phải đi trao đổi gói thư thì phải trực tiếp phụ trách phát thư từ, báo chí, công văn cho một số xóm, nhiều ít tùy theo từng nơi.

- Trưởng trạm phải thường trực tại trạm trong một số thì giờ nhất định hàng ngày, do Ủy ban Hành chính xã cũng phòng bưu điện huyện quy định. Ở những nơi trưởng trạm phải đi trao đổi gói thư, thì giờ thường trực có thể ít hơn những nơi trưởng trạm không phải đi trao đổi thư.

[...]