Thông tư 04/2020/TT-TANDTC hướng dẫn về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ hòa giải viên do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 04/2020/TT-TANDTC
Ngày ban hành 16/11/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2020/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM; CẤP VÀ THU HỒI THẺ HÒA GIẢI VIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 16 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi là Hòa giải viên).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người được đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên.

2. Hòa giải viên được xem xét miễn nhiệm, khen thưởng hoặc bị xử lý vi phạm theo quy định.

3. Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và người có thẩm quyền thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng hoặc xử lý vi phạm Hòa giải viên; cấp, đổi và thu hồi thẻ Hòa giải viên.

Điều 3. Định biên số lượng Hòa giải viên

1. Số lượng Hòa giải viên được xác định trên cơ sở số lượng vụ, việc dân sự, hành chính được thụ lý của từng Tòa án và các tiêu chí sau:

a) Tòa án có số lượng thụ lý dưới 300 vụ, việc/năm có tối đa 05 Hòa giải viên.

b) Tòa án có số lượng thụ lý từ 300 đến dưới 1.000 vụ, việc/năm có tối đa 15 Hòa giải viên.

c) Đối với các Tòa án có số lượng thụ lý từ 1.000 vụ, việc/năm trở lên thì cứ tăng thêm 100 vụ, việc/năm bổ sung thêm 01 Hòa giải viên.

2. Thủ tục đề xuất số lượng Hòa giải viên

a) Sau tổng kết công tác năm, căn cứ vào số lượng vụ, việc thụ lý, Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện) có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh) giao số lượng Hòa giải viên.

b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu, đề xuất số lượng Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).

c) Sau khi Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao số lượng Hòa giải viên đối với từng Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp.

Điều 4. Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên

1. Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) có tối thiểu 03 người; danh sách thành viên Hội đồng tư vấn do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định, gồm:

a) Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng.

b) Các Ủy viên: Trưởng đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh; 01 thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có người được đề nghị tuyển chọn, bổ nhiệm làm Hòa giải viên); đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức có liên quan đến người được đề nghị bổ nhiệm làm Hòa giải viên (nếu có).

[...]