Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 03/2021/TT-BKHCN quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 03/2021/TT-BKHCN
Ngày ban hành 11/06/2021
Ngày có hiệu lực 26/07/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Phạm Công Tạc
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2021/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030;

Thực hiện Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình) được phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 2205/QĐ-TTg).

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện và tham gia Chương trình, các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý Chương trình

1. Thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Việc quản lý Chương trình phải bảo đảm công khai, minh bạch. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khác.

3. Sử dụng kinh phí của Chương trình đúng mục đích, có hiệu quả, không lãng phí, tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

Điều 3. Nhiệm vụ thuộc Chương trình

Nhiệm vụ thuộc Chương trình bao gồm các nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

1. Nhiệm vụ thường xuyên thuộc Chương trình: Là nhiệm vụ gắn với chức năng, chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan quản lý Chương trình, được thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán của cơ quan quản lý Chương trình được phê duyệt, bao gồm:

a) Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ở trong và ngoài nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới quy định tại điểm a khoản 2 mục II Điều 1 Quyết định số 2205/QĐ-TTg;

b) Biên soạn, phát hành tài liệu về sở hữu trí tuệ quy định tại điểm b khoản 6 mục II Điều 1 Quyết định số 2205/QĐ-TTg;

c) Vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sở hữu trí tuệ quy định tại điểm d khoản 6 mục II Điều 1 Quyết định số 2205/QĐ-TTg.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình: Là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của Nhà nước thông qua tuyển chọn hoặc giao trực tiếp để thực hiện các nội dung quy định tại mục II Điều 1 Quyết định số 2205/QĐ-TTg, trừ các nhiệm vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 4. Phân nhóm nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý bao gồm: Các nhiệm vụ đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 08/2014/NĐ-CP) và nhiệm vụ thuộc Chương trình được xây dựng, triển khai theo mô hình điểm có khả năng nhân rộng, lan tỏa hoặc có tính đặc thù, phức tạp về chuyên môn sở hữu trí tuệ.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ do bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý bao gồm: Các nhiệm vụ đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ về nâng cao nhận thức, tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong các đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

3. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý bao gồm: Các nhiệm vụ đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiệm vụ được xây dựng trên cơ sở kế thừa, áp dụng các kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được tổng kết, nghiệm thu phù hợp với điều kiện của địa phương.

[...]