Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 33-GD/TT-1976 hướng dẫn chế độ tập sự đối với học sinh tốt nghiệp của trường Đại học và Trung học sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 33-GD/TT
Ngày ban hành 11/11/1976
Ngày có hiệu lực 26/11/1976
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Hồ Trúc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-GD/TT

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1976

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 33-GD/TT NGÀY 11 THÁNG 11 NĂM 1976 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TẬP SỰ ĐỐI VỚI HỌC SINH TỐT NGHIỆP CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC SƯ PHẠM

Ngày 15 tháng 7 năm 1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 256/TTg, quy định chế độ tập sự đối với học sinh tốt nghiệp các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Liên Bộ Lao động - Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ra thông tư số 01 TT - LB, ngày 14 tháng 2 năm 1976 hướng dẫn thi hành Quyết định 256/TTg.

Sau khi trao đổi và thoả thuận với Bộ Lao động (tại công văn số 1400/LĐ-LHCSN, ngày 8 tháng 10 năm 1976), Bộ Giáo dục ban hành thông tư này hướng dẫn cụ thể chế độ tập sự đối với học sinh tốt nghiệp các trường Đại học và Trung học sư phạm.

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Tập sự nghề nghiệp là một việc làm bắt buộc đối với tất cả các học sinh tốt nghiệp ra trường để tiếp tục hoàn chỉnh quá trình đào tạo người giáo viên trong các trường sư phạm.

Giúp cho người học sinh có đủ thời gian và điều kiện để trau dồi thêm về kỹ năng lao động sư phạm, rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong công tác, khả năng độc lập sáng tạo trong công tác giáo dục và giảng dạy, nâng cao lòng yêu nghề.

Giúp cho các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học có đủ thời gian để giúp đỡ và đánh giá một cách chính xác người tập sự về mọi mặt (tư cách đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ) trước khi giao việc chính thức và tuyển dụng vào biên chế Nhà nước.

II- NỘI DUNG TẬP SỰ

Trong thời gian tập sự đã được quy định, người giáo viên sẽ làm những công việc sau đây :

1- Trực tiếp tham gia công tác giáo dục và giảng dạy đối với học sinh một cách toàn diện; giảng dạy trên lớp, làm chủ nhiệm lớp, giáo dục lao động sản xuất và tổ chức sinh hoạt tập thể cho học sinh.

2- Tìm hiểu để nắm được một cách có hệ thống về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục, chủ yếu là cơ sở trường học, về tình hình chính trị, kinh tế, giáo dục và phong tục tập quán của địa phương trường đóng.

3- Trong quá trình thực hiện các nội dung công tác trên, người giáo viên phải luôn luôn cố gắng rèn luyện bản thân về tư cách đạo đức, tác phong công tác, hăng say lao động, khiêm tốn học hỏi những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, không ngừng học tập và bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về đường lối quan điểm giáo dục của Đảng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

III- TỔ CHỨC TẬP SỰ

1- Trường học phổ thông, bổ túc văn hoá tập trung, mẫu giáo vỡ lòng là cơ sở tập sự nghề nghiệp của học sinh tốt nghiệp các trường sư phạm.

- Các cơ quan quản lý giáo dục, trong phạm vi chỉ tiêu biên chế cho phép có trách nhiệm giới thiệu học sinh về các cơ sở tập sự, đúng với chức nghiệp được đào tạo.

2- Hiệu trưởng nhà trường là người trực tiếp giao việc cho người tập sự và phân công giáo viên cũ kèm cặp, giúp đỡ giáo viên này trong suốt thời gian tập sự.

Mỗi giáo viên phải xây dựng kế hoạch thực hiện toàn bộ công tác tập sự sau khi được Hiệu trưởng giao việc, theo nội dung nói trên. Hàng năm, trong dịp sơ kết học kỳ và tổng kết năm học, cần được tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để có phương hướng phấn đấu tiếp tục.

3- Trước khi hết thời gian tập sự 2 tháng, giáo viên làm đơn đề nghị công nhận hết hạn tập sự (và tuyển vào biên chế Nhà nước) kèm theo một bản báo cáo kết quả tập sự. Báo cáo này được đưa ra tổ chuyên môn tham gia ý kiến trước khi gửi Hội đồng xét duyệt.

4- Mỗi trường thành lập một hội đồng xét duyệt kết quả tập sự gồm có Hiệu trưởng, Hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn (của người tập sự) do Hiệu trưởng làm trưởng ban.

Trên cơ sở báo cáo kết quả tập sự và ý kiến của tổ chuyên môn. Hội đồng sẽ xem xét và đánh giá toàn bộ công tác tập sự của giáo viên, nhưng tập trung ở hai mặt chủ yếu :

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm - tư cách đạo đức, tác phong công tác, để kết luận giáo viên đã đạt yêu cầu tập sự hay chưa.

Biên bản xét duyệt của Hội đồng được gửi lên Phòng giáo dục (đối với giáo viên cấp I, cấp II) và Sở, Ty giáo dục (đối với giáo viên cấp III) sau một tuần lễ kể từ ngày Hội đồng quyết định.

5- Để việc đánh giá và công nhận hết hạn tập sự (và tuyển vào biên chế) cho giáo viên cấp I, cấp II, sau khi thoả thuận với Ban tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành ra quyết định công nhận hết hạn tập sự (và tuyển vào biên chế) cho giáo viên cấp III.

IV- THỜI GIAN TẬP SỰ

1- Thời gian tập sự được tính từ ngày người giáo viên nhận việc tại các cơ sở tập sự theo quyết định điều động công tác của cơ quan quản lý trực tiếp.

[...]