Thông tư 01/BXD-QLN-1996 hướng dẫn chuyển giao nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện được bán từ các Cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước cho bên bán nhà do Bộ Xây Dựng ban hành

Số hiệu 01/BXD-QLN
Ngày ban hành 04/03/1996
Ngày có hiệu lực 19/03/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Mạnh Kiểm
Lĩnh vực Bất động sản

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/BXD-QLN

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 01/BXD-QLN NGÀY 04 THÁNG 3 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN VIỆC CHUYỂN GIAO NHÀ Ở THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC THUỘC DIỆN ĐƯỢC BÁN TỪ CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI, CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CHO BÊN BÁN NHÀ

Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định 61/CP ngày 5 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ, sau khi xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và đất ở, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc chuyển giao nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện được bán từ các cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước cho bên bán nhà như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1- Các cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi là bên giao nhà) hiện đang quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước mà thuộc diện được bán thì phải chuyển giao nhà đó cho bên bán nhà nêu tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 61/CP theo quy định sau đây:

a) Nếu bên giao nhà trực thuộc các cơ quan Trung ương thì việc chuyển giao nhà ở được thực hiện sau khi có văn bản chuyển giao của Bộ, ngành Trung ương (sau đây gọi là Bộ) và văn bản tiếp nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh).

b) Nếu bên giao nhà trực thuộc cơ quan địa phương thì việc chuyển giao nhà ở được thực hiện sau khi có Quyết định chuyển giao của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2- Việc chuyển giao nhà ở phải được thực hiện thông qua biên bản bàn giao giữa 2 bên trên nguyên tắc bàn giao theo đúng hiện trạng về đất ở, nhà ở và người sử dụng nhà đó tại thời điểm bàn giao.

II- THỦ TỤC BÀN GIAO

1- Bên giao nhà lập danh mục nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do đơn vị mình quản lý (phụ lục số 1) và gửi cho cơ quan quản lý quy hoạch tỉnh.

Cơ quan quản lý quy hoạch tỉnh căn cứ quy hoạch các khu vực nhà ở thuộc diện được bán theo Nghị định 61/CP do Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trả lời bằng văn bản cho bên giao nhà biết nhà nào được bán, nhà nào không được bán (không phụ thuộc vào việc đơn vị có nhà tự quản có các giấy tờ về nhà ở, đất ở hay không).

Trường hợp nhà ở xây dựng trên đất tạm giao, hoặc không có quyết định giao đất, hoặc trên đất được giao để làm trụ sở cơ quan hoặc sản xuất kinh doanh... thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể để xác định nhà ở đó có thuộc diện được bán hay không.

2- Căn cứ văn bản trả lời của cơ quan quản lý quy hoạch tỉnh, bên giao nhà lập danh mục nhà ở thuộc diện được bán (phụ lục số 2) và gửi cho cơ quan cấp trên theo trình tự như sau:

a) Nếu bên giao nhà thuộc cơ quan Trung ương thì gửi danh mục nhà ở thuộc diện được bán cho Bộ chủ quan để Bộ chủ quan có văn bản chuyển giao nhà đó cho tỉnh.

b) Nếu bên giao nhà thuộc cơ quan địa phương thì gửi danh mục nhà ở thuộc diện được bán cho Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3- Sau khi nhận được công văn kèm theo Danh mục nhà ở thuộc diện được bán do Bộ gửi, Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm trả lời Bộ bằng văn bản về việc tiếp nhận nhà ở đó.

4- Căn cứ nhà ở thuộc diện được bán do Bộ chuyển giao và do các cơ quan trực thuộc địa phương trình lên. Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định giao cho Sở nhà đất hoặc Sở Xây dựng (nơi không có Sở nhà đất) hoặc Uỷ ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện tổ chức tiếp nhận nhà ở trên từng địa bàn.

5- Sở nhà đất hoặc Sở xây dựng (nơi không có Sở nhà đất) hoặc Uỷ ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện căn cứ Danh mục nhà ở được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm tổ chức tiếp nhận có văn bản giao cho Công ty kinh doanh nhà thực hiện việc tiếp nhận cụ thể. Nơi chưa có Công ty kinh doanh nhà thì Uỷ ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận nhà.

6- Sau khi nhân được Danh mục nhà ở cần phải tiếp nhận, Công ty kinh doanh nhà hoặc Uỷ ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện (sau đây gọi là bên nhận nhà) thoả thuận với bên giao nhà tiến độ bàn giao nhà và tổ chức tiếp nhận theo tiến độ đó trên nguyên tắc bàn giao theo đúng hiện trạng nhà ở, đất ở và người sử dụng nhà đó tại thời điểm bàn giao.

Cụ thể là:

a) Về đất ở: Bên giao nhà bàn giao toàn bộ khu đất ở do đơn vị đó đang quản lý, kèm theo các loại hồ sơ hiện có, như: quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trích lục thửa đất, biên lai thu thuế, v.v...

Trường hợp không có hồ sơ về đất thì hai bên cắm mốc giới thửa đất và bàn giao theo các mốc giới đó, đồng thời phải ghi rõ lý do không có hồ sơ đất, như: thất lạc hồ sơ, tiếp quản nhà từ chế độ cũ mà không có hồ sơ đất, không có quyết định giao đất, v.v...

Trường hợp nhà ở nằm trong một khu tập thể có nhiều nhà có nhiều đơn vị quản lý, giữa các nhà không có ranh giới đất riêng thì trong biên bản bàn giao ghi là nhà ở trong khu tập thể sử dụng chung khu đất.

b) Về nhà ở: Bàn giao theo từng ngôi nhà (nếu bên giao đang quản lý cả ngôi nhà) hoặc bàn giao theo từng căn hộ (nếu bên giao chỉ quản lý 1 vài căn hộ trong 1 nhà có nhiều căn hộ).

Nhà hoặc căn hộ bàn giao phải kèm theo các hồ sơ hiện có, như: Bản vẽ thiết kế, giấy phép xây dựng, quyết định giao quản lý nhà (đối với nhà tiếp quản từ chế độ cũ), biên bản nhận bàn giao nhà từ đơn vị khác chuyển sang, hồ sơ mua bán nhà (nếu là nhà mua của chủ sở hữu khác), v.v...

Trường hợp không có hồ sơ về nhà ở thì hai bên tiến hành bàn giao trên cơ sở vẽ mặt bằng nhà có trên thửa đất hoặc mặt bằng căn hộ có trong nhà (nếu đơn vị chỉ quản lý một vài văn hộ trong một nhà).

Không tiến hành đo vẽ chi tiết nhà ở khi bàn giao.

Không bàn giao nhà ở do người ở xây dựng thêm (vì đó không phải là nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước), nhưng phải thể hiện phần xây dựng thêm trên mặt bằng để có biện pháp xử lý sau này.

[...]