Thông tư 01/1997/TT-BCN hướng dẫn về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỏ và thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ do Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 01/1997/TT-BCN
Ngày ban hành 31/12/1997
Ngày có hiệu lực 01/02/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đặng Vũ Chư
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/1997/TT-BCN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 01/1997/TT-BCN NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VỀ NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI, THIẾT KẾ MỎ VÀ THỦ TỤC THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ MỎ

Thực hiện Nghị định số 68/CP ngày 01/11/1996 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 42/ CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996;
Căn cứ Quyết định số 497/BXD/GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế lập, thẩm định và xét duyệt thiết kế công trình xây dựng; Thông tư số 09 BKH/VPTĐ ngày 21/9/1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về lập, thẩm định dự án đầu tư và Quyết định đầu tư;
Bộ Công nghiệp hướng dẫn chi tiết nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỏ và thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ như sau:

I/ PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA THÔNG TƯ:

- Các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong nước thuộc mọi nguồn vốn và các dự án đầu tư có nguồn vốn trực tiếp của nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

- Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan hành nghề tư vấn thiết kế mỏ khi lập dự án đầu tư, thiết kế mỏ (bao gồm: thiết kế kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật - thi công khai thác mỏ).

Thông tư này không áp dụng đối với hoạt động "khai thác tận thu" theo quy định của Luật khoáng sản.

II/ NỘI DUNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI, THIẾT KẾ MỎ.

II.1- Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác mỏ.

- Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò mỏ khoáng sản được quy định tại phụ lục số 1 và phụ lục số 2 của Thông tư này.

- Đối với các dự án nhóm A và một số dự án nhóm B nếu cần phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nội dung của báo cáo phải tuân theo hướng dẫn tại phụ lục số 1, Thông tư 09 BKH/VPTĐ ngày 21/9/1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về trình tự lập, thẩm định dự án đầu tư và quyết định đầu tư.

- Đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan đến các dự án có quy mô đầu tư lớn, tính chất phức tạp) báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác mỏ được lập và thẩm định cùng với hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư (hợp đồng liên doanh, điều lệ của doanh nghiệp v.v...) theo quy chế hình thành, thẩm định và thực hiện dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Chính phủ ban hành.

II.2- Nội dung thiết kế mỏ.

- Nội dung thiết kế khai thác lộ thiên và khai thác hầm mỏ khoáng sản được quy định tại phụ lục số 3 và phụ lục số 4 của Thông tư này.

III- THỦ TỤC THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ MỎ.

III.1- Nội dung thẩm định thiết kế mỏ.

Thiết kế mỏ của mọi tổ chức - cá nhân trong và ngoài nước được thẩm định theo các nội dung sau đây:

1. Cơ sở pháp lý của hồ sơ thiết kế: tư cách pháp lý của tổ chức thiết kế; sự phù hợp của thiết kế với dự án đầu tư đã được duyệt; sự tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và các quy phạm hiện hành áp dụng đối với chuyên ngành khai thác, chế biến khoáng sản;

2. Sự hợp lý của việc bố trí các công trình hạ tầng phục vụ hoạt động khai thác trên sân công nghiệp mỏ, mức độ an toàn kết cấu của các công trình đó (nhà cửa, đường xá v.v...) về phương diện an toàn lao động, bảo vệ môi trường, an toàn cho các công trình lân cận trong khi xây dựng và khi sử dụng;

3. Cơ sở kỹ thuật và công nghệ khai thác phù hợp với điều kiện địa chất mỏ nhằm thu hồi tối đa trữ lượng khoáng sản đã được thăm dò, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, môi sinh, cụ thể là:

- Sự hợp lý của việc biện luận về ranh giới áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên, ranh giới áp dụng phương pháp khai thác hầm lò và các thông số của biên giới mỏ khi kết thúc khai thác;

- Sự hợp lý của việc lựa chọn phương án mở vỉa đối với đặc điểm vỉa (hoặc thân khoáng sản) cũng như đối với hệ thống khai thác đã lựa chọn;

Sự hợp lý của hệ thống khai thác được lựa chọn cũng như các thông số của nó như: chiều cao tầng khai thác, chiều cao tầng kết thúc, góc nghiêng sườn tầng v.v... bảo đảm an toàn trong khai thác, phù hợp với tính chất cơ lý của đất đá mỏ;

- Sự hợp lý của việc lựa chọn tiết diện đường lò cũng như hộ chiếu chống lò (khi khai thác bằng phương pháp) đối với tính chất cơ lý của đất đá, khoáng sản ở nóc, hông, nền lò bảo đảm sự ổn định của đường lò trong suốt quá trình khai thác;

- Mức độ an toàn đối với người, công trình cần bảo vệ ở khu vực lân cận trong quá trình khai thác của hộ chiếu khoan - nổ mìn;

Sự hợp lý và mức độ an toàn của các hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thông gió cho các đường lò vận chuyển, đường lò khai thác v.v... 4. Cơ sở công nghệ tuyển, chế biến khoáng sản (đối với các dự án có chế biến khoáng sản): Sự hợp lý của công nghệ tuyển, chế biến khoáng sản bảo đảm thu hồi tối đa khoáng sản chính cũng như khoáng sản đi kèm và bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, môi sinh của khu vực tuyển, chế biến.

Riêng đối với công trình khai thác mỏ thuộc các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước ngoài việc thẩm định nội dung kỹ thuật nêu trên, còn thẩm định các nội dung kinh tế sau:

- Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật so với dự án đã được duyệt;

[...]