Thông tri 10/TTr-MTTW-BTT năm 2016 hướng dẫn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ban Thường trực Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 10/TTr-MTTW-BTT
Ngày ban hành 08/07/2016
Ngày có hiệu lực 08/07/2016
Loại văn bản Thông tri
Cơ quan ban hành Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
 BAN THƯỜNG TRỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/TTr-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2016

 

THÔNG TRI

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG "TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, ĐÔ THỊ VĂN MINH"

Để tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động, trên cơ sở phối hợp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri hướng dẫn tổ chức thực hiện Cuộc vận động như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

- Thông qua thực hiện Cuộc vận động góp phần nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân ở các phường, quận, thị trấn, thành phố tham gia thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng đô thị văn minh.

- Thông qua việc phối hợp tổ chức thực hiện Cuộc vận động góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền, các ban, ngành liên quan và các tổ chức thành viên cùng cấp.

2. Yêu cầu

- Phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư trong triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động; lấy khu dân cư là địa bàn quan trọng để triển khai Cuộc vận động, là cơ sở đề ra nội dung, tiêu chí và đánh giá hiệu quả Cuộc vận động; xã, phường phát huy trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động.

- Nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, huyện trong công tác hướng dẫn, phối hợp với các tổ chức thành viên, đảm bảo cơ chế thực hiện Cuộc vận động.

- Thông qua hiệp thương thống nhất giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tổ chức Cuộc vận động để có cơ sở đánh giá nội dung, nhiệm vụ và đóng góp cụ thể của mỗi tổ chức trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

- Việc đánh giá kết quả Cuộc vận động phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua; ghi nhận và kịp thời khen thưởng những đóng góp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thực hiện 5 nội dung của Cuộc vận động

1.1. Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

Vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp; thực hiện quy hoạch và chỉnh trang khu dân cư; hiến đất, góp công xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; thực hành tiết kiệm trong tiêu dùng và sản xuất. Vận động người thân ở xa quê đóng góp xây dựng quê hương, đóng góp, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, các chương trình, dự án và hỗ trợ từ cộng đồng để giúp các hộ nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống.

Ở nông thôn, vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ tổ chức liên kết giữa các hợp tác xã và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy nghề truyền thống của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

Ở đô thị, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch đô thị; phát triển, đa dạng hoá ngành nghề dịch vụ và sản xuất kinh doanh, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống; vận động nhân dân thực hiện văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không bán hàng không có xuất xứ theo quy định của pháp luật, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

1.2. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái.

Vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện ng xử văn minh; mỗi hộ gia đình có trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng khu dân cư lành mạnh, an toàn. Vận động nhân dân tham gia cùng Nhà nước từng bước củng cố, xây dựng và hình thành các Trung tâm hoạt động cộng đồng.

Phối hợp thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, Tiểu học và Trung học cơ sở, giúp đỡ, động viên học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên trong học tập; khuyến khích học nghề, tích cực xây dựng xã hội học tập và khuyến khích phát triển tài năng.

Vận động nhân dân tập luyện thể dục, thể thao; chủ động phòng, chống các dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; thực hiện tốt công tác dân số, đảm bảo tỷ suất sinh thay thế; tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động “Vì sức khỏe cộng đồng”.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Tích cực tham gia công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ gia đình bị thiên tai, người bị nhiễm chất độc da cam - dioxin, người già yếu không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

1.3. Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp. Hướng dẫn để người dân biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Ở nông thôn, vận động nhân dân trồng cây xanh, bóng mát; quy hoạch vườn, ao, chuồng và các công trình vệ sinh, nhà tắm đảm bảo mỹ quan và môi trường. Ở đô thị, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp; phân loại và thu gom rác thải đúng quy định; xây dựng, bảo vệ công viên, khu vui chơi, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng.

[...]