Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Ô-xtrây-lia

Số hiệu 24/2014/TB-LPQT
Ngày ban hành 10/04/2012
Ngày có hiệu lực 07/04/2014
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ Ôxtrâylia
Người ký Phạm Quý Ngọ,Nicola Louise Roxon
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtrây-lia, ký tại Can-bơ-rơ ngày 10 tháng 4 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 4 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ Ô-XTRÂY-LIA VỀ DẪN ĐỘ

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtrây-lia (sau đây gọi là "các Bên"),

Với mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác chống tội phạm giữa hai nước thông qua việc ký kết một hiệp định về dẫn độ,

Đã thỏa thuận như sau:

ĐIỀU 1

NGHĨA VỤ DẪN ĐỘ

Theo quy định của Hiệp định này, mỗi Bên đồng ý dẫn độ cho Bên kia bất kỳ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của mình mà Bên đó yêu cầu để tiến hành truy tố, xét xử, áp dụng hoặc thi hành bản án vì một tội có thể bị dẫn độ.

ĐIỀU 2

CÁC TỘI BỊ DẪN ĐỘ

1. Các tội có thể bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này là các tội, cho dù gọi thế nào đi nữa, có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên hoặc nghiêm khắc hơn theo quy định pháp luật của cả hai Bên.

2. Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan tới một người bị kết án để thi hành hình phạt tù, thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện nếu thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất sáu (6) tháng.

3. Phù hợp với quy định của Điều này, một tội phạm bị coi là tội phạm theo pháp luật của cả hai Bên được xác định như sau:

a) Không yêu cầu pháp luật của cả hai Bên quy định hành vi cấu thành tội phạm đó phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh;

b) Tất cả hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ phải được xem xét một cách toàn diện và không nhất thiết các yếu tố cấu thành của tội phạm đó theo pháp luật của các Bên phải giống nhau.

4. Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ một người có liên quan đến một tội về thuế, thuế hải quan, kiểm soát ngoại hối hoặc các vấn đề về thu nhập khác, thì Bên được yêu cầu không được từ chối dẫn độ với lý do là pháp luật của Bên đó không áp dụng cùng loại thuế, thuế hải quan đó hoặc không có quy định về thuế, thuế hải quan hoặc quy chế ngoại hối tương tự như pháp luật của Bên yêu cầu.

5. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của Bên yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội theo quy định của Hiệp định này sẽ được tiến hành khi pháp luật của Bên được yêu cầu cũng quy định hình phạt đối với tội phạm đó nếu thực hiện bên ngoài lãnh thổ của mình trong điều kiện tương tự. Trường hợp pháp luật của Bên được yêu cầu không quy định như vậy, thì Bên được yêu cầu có thể chủ động tiến hành việc dẫn độ.

6. Việc dẫn độ có thể được thực hiện theo quy định của Hiệp định này với điều kiện là:

a) Hành vi được yêu cầu dẫn độ đã cấu thành tội phạm ở Bên yêu cầu vào thời điểm hành vi đó xảy ra; và

b) Hành vi đó nếu được thực hiện trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu tại thời điểm nhận được yêu cầu dẫn độ sẽ cấu thành tội phạm ở Bên đó.

[...]