Thông báo 98/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc thực hiện đề án xây dựng các bệnh viện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 98/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/04/2011 |
Ngày có hiệu lực | 28/04/2011 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Văn Phượng |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thể thao - Y tế |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CÁC BỆNH VIỆN BẰNG NGUỒN VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
Ngày 06 tháng 4 năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến về việc thực hiện Đề án xây dựng các bệnh viện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Tham dự phiên họp tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; tại các điểm cầu địa phương, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và ngành y tế 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Tóm tắt tình hình thực hiện Đề án xây dựng các bệnh viện bằng vốn TPCP giai đoạn 2008-2010:
a) Tổng mức vốn TPCP đã giao từ năm 2008 đến hết năm 2011 để xây dựng các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh là 18.350 tỷ đồng, trong đó:
- Số vốn bố trí xây dựng các bệnh viện tuyến huyện theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 10.950 tỷ đồng, đạt 78,2% só với kết hoạch được duyệt. Số vốn TPCP cần tiếp tục bố trí theo kế hoạch cho các dự án xây dựng các bệnh viện tuyến huyện là 3.050 tỷ đồng;
- Số vốn đã giao cho các dự án xây dựng bệnh viện tuyến tỉnh theo Quyết định số 930/QĐ-TTg trong ba năm 2009-2011 là 7.400 tỷ đồng, đạt 22, 67% so với kế hoạch được duyệt.
b) Bộ Y tế và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Đề án. Tiến độ giải ngân liên tục tăng qua các năm. Lũy kế vốn thanh toán đến hét tháng 02 năm 2011 là 13.904 tỷ đồng, đạt 76% số vốn được giao. Riêng năm 2010, tính đến hết 31 tháng 01 năm 2011 đạt 98,1% so với kế hoạch được giao. Nhiều đại phương, khối lượng thực hiện đã vượt kế hoạch vốn được giao. Theo báo cáo, trong năm 2008-2010 có 49 dự án đã hoàn thành đưa vào sủ dụng (42 bệnh viện huyện, 07 bệnh viện tuyến tỉnh). Trong năm 2011, nếu được bố trí đủ vốn, sẽ có thể hoàn thành them 151 dự án đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: các dự án đang ở giai đoạn hoàn thành, nhưng việc bố trí vốn còn thấp, còn nợ nhà thầu khối lượng đã thực hiện xong, không thể hoàn thành theo đúng tiến độ. Giá vật liệu, tiền lương, tiền công, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao; nhiều dự án đã thi công xong phần xây lắp nhưng thiếu trang thiết bị nên không thể đưa vào sử dụng.
c) Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngoài nguồn vốn TPCP, các địa phương có trách nhiệm phải chủ động bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Đề án theo tỷ lệ quy định, nhưng đến hết tháng 8 năm 2010, tổng các nguồn vốn này chỉ huy động được 382 tỷ đồng (bằng 12, 73% kế hoạch vốn được giao).
2. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, các Bộ, ngành và các địa phương cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
- Tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí phần vốn TPCP cho Đề án các bệnh huyện còn thiếu (theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) vào kế hoạch 2012;
- Xác định danh mục và nhu cầu vốn đối với các dự án đang triển khai dở dang, có tiến độ thực hiện nhanh, khối lượng thực hiện vượt mức vốn đã được thông báo, có khả năng hoàn thành trong năm 2011, đề xuất giải pháp tháo gỡ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Trong tháng 5 năm 2011, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục chi tiết các bệnh viện được đầu tư bằng vốn TPCP (kèm theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2009). Trong đó, xác định cụ thể danh mục các dự án cần ưu tiên hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2012 - 2015; các dự án thực hiện trong giai đoạn 2016- 2020;
- Trong quý III năm 2011, nghiên cứu, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, làm căn cứ xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện Đề án trong các năm tới.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong tháng 5 năm 2011:
- Tổng hợp nhu cầu vốn TPCP đầu tư cho ngành y tế giai đoạn 2011 - 2015, trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội;
- Tổng hợp và hướng dẫn các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vốn TPCP cho phần tăng do điều chỉnh chính sách so với quyết định ban đầu, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 184/QĐ-TTg, như tăng giá vật liệu, tiền lương, tiền công, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng..., theo tỷ lệ hỗ trợ quy định tại Quyết định số 528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Không bố trí vốn TPCP cho phần điều chỉnh quy mô và mở rộng thêm các hạng mục của dự án so với quyết định đầu tư ban đầu;
- Tổng hợp danh mục và nhu cầu vốn TPCP cho các bệnh viện của các huyện mới chia tách, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan: nghiên cứu đề xuất trong tháng 5 năm 2011 cơ chế hỗ trợ các chủ đầu có công trình dang dở, sắp hoàn thành, nhưng không có TPCP trong năm 2011, được ứng vốn hoặc vay vốn để hoàn thành công trình, tránh việc lãng phí lớn do công trình không đưa vào sử dụng được và xuống cấp trong nhiều năm. Nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sẽ hỗ trợ lãi suất khoản vay.
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:
- Tính toán kỹ, bố trí đủ phần vốn thuộc trách nhiệm của địa phương để thực hiện Đề án (chú ý sử dụng phần thu xổ sổ của địa phương). Việc bảo đảm mức vốn của địa phương bố trí thực hiện Đề án là một tiêu chí quan trọng để xem xét tiếp tục bố trí vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm.
- Khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể tình hình thực hiện các dự án y tế sử dụng vốn TPCP về: khối lượng thực hiện các dự án đến 31 tháng 12 năm 2010; giải ngân các dự án đến 31 tháng 01 năm 2011; số vốn chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011 theo từng dự án; số dự án và số bố trí cho các dự án hoàn thành năm 2010 và 2011; năng lực và hiệu quả tăng thêm từ việc hoàn thành các dự án xây dựng bệnh viện đưa vào sử dụng trong năm 2010 và 2011;
- Không bố trí vốn TPCP cho các dự án khởi công mới, các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, các dự án không có khả năng thực hiện trong năm 2011, các dự án triển khai chậm trong năm 2010 (có khối lượng thực hiện dưới 10%) để tập trung điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và 2012. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết đinh;
- Xác định cụ thể phần tăng tổng mức đầu tư dự án do điều chỉnh chính sách (tăng giá vật liệu, tiền lương, tiền công, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng...) và phần tăng thêm do điều chỉnh quy mô và mở rộng thêm các hạng mục của dự án so với quyết định phê duyệt dự án ban đầu;
- Đánh giá tình hình thực hiện các quy chế quản lý nhà nước về đầu tư: thẩm định, phê duyệt dự án, đấu thầu, giám sát, thanh quyết toán,...; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý;
Báo cáo gửi Bộ Y tế trước ngày 15 tháng 5 năm 2011 (đồng thời gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.