Thông báo 9222/TB-BNN-VP năm 2014 ý kiến kết luận của Thứ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo Vũ Văn Tám tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 9222/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 14/11/2014
Ngày có hiệu lực 14/11/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Quốc Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 9222/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VŨ VĂN TÁM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC KHAI THÁC, THU MUA, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ CÁ NGỪ THEO CHUỖI”

Ngày 25 tháng 10 năm 2014, tại thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Đồng chí Vũ Văn Tám Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tham dự Hội nghị gồm có: Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc; đại diện Vụ Tài chính, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Viện Nghiên cứu Hải sản.

Sau khi nghe Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo) trình bày dự thảo Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và Chương trình công tác của Ban chỉ đạo từ Quý IV năm 2014 đến hết năm 2015, ý kiến đóng góp của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo và các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo Vũ Văn Tám đã kết luận như sau:

1. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo trên tinh thần gọn và đầy đủ các nội dung về nhiệm vụ, nguyên tắc, chế độ làm việc, họp của Ban chỉ đạo, chế độ thông tin, báo cáo của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo để trình Trưởng ban ký ban hành trong tháng 11/2014.

2. Đối với Kế hoạch triển khai Đề án, tập trung vào các vấn đề sau:

a) Cần bổ sung công tác triển khai thực hiện đề án và chỉ đạo điều hành, trong đó lưu ý:

- Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bổ sung nhiệm vụ thực hiện Đề án và bố trí kinh phí vào Kế hoạch năm 2015 và các năm tiếp theo.

- Các địa phương nghiên cứu và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, bộ máy giúp việc và Kế hoạch triển khai Đề án chi tiết cho phù hợp với điều kiện của từng tỉnh (có thể lồng ghép với Ban chỉ đạo đã có).

- Các địa phương tiếp tục xây dựng 3 loại mô hình liên kết thuộc nội dung Đề án, lưu ý đặc biệt chú ý vai trò của doanh nghiệp và chủ tàu, trong đó doanh nghiệp là trung tâm xây dựng chuỗi liên kết. Tuy nhiên, cần củng cố mô hình tổ đội khai thác trên biển đảm bảo thực chất, hiệu quả và làm rõ trách nhiệm chia sẻ lợi ích và rủi ro thì liên kết giữa doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ với tổ đội mới có hiệu quả.

- Về kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bao gồm cả kinh phí Trung ương và địa phương.

b) Về Đầu tư cơ sở hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ:

- Tổng cục Thủy sản thống nhất với các địa phương để đưa vào rà soát, điều chỉnh quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trình Chính phủ năm 2015, trong đó lựa chọn xây dựng một cảng cá ngừ chuyên dụng là dự án ưu tiên đầu tư. Trước mắt, địa phương nào đã xác định và đủ thủ tục đầu tư, nguồn vốn có thể từ nguồn vốn vay WB thực hiện Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững. Địa phương nào chưa kịp các thủ tục đầu tư theo quy định thì đưa vào Kế hoạch vốn từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trong lĩnh vực khai thác thủy sản, Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020.

- Đối với Khánh Hòa, Trung tâm giao dịch cá ngừ nên gắn với Trung tâm nghề cá lớn. Tỉnh chủ động làm rõ quy hoạch, thuê tư vấn lập qui hoạch chi tiết và xúc tiến các bước đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn và phối hợp cùng Tỉnh để ưu tiên đầu tư và xúc tiến đầu tư.

c) Về công tác đào tạo:

- Đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá của Đề án. Tổng cục Thủy sản và các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo và kiên trì thực hiện.

- Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung đào tạo, tham mưu để Bộ phê duyệt Kế hoạch đào tạo (triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP) về vận hành tàu vỏ thép và vật liệu mới, kỹ thuật khai thác bảo quản, chế biến sản phẩm cá ngừ. Hợp tác với Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) mời chuyên gia sang Việt Nam đào tạo tập huấn tại chỗ cho cán bộ, ngư dân; hoặc đưa ngư dân đi nước ngoài đào tạo.

- Các địa phương có kế hoạch cụ thể, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đào tạo trực tiếp cho ngư dân.

d) Về chuyển giao khoa học công nghệ và khuyến ngư:

- Viện Nghiên cứu Hải sản đề xuất và triển khai các chương trình, dự án Nâng cao năng lực điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường và thông tin kịp thời cho ngư dân theo quy định.

- Tổng cục Thủy sản chủ trì việc xây dựng, hướng dẫn các qui trình công nghệ về khai thác, bảo quản và chế biến sản phẩm cá ngừ;

- Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì phối hợp với các địa phương, Hiệp hội Cá ngừ tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm cá ngừ cho cán bộ và ngư dân thông qua các mô hình.

- Các địa phương chủ động tổ chức lại mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản, chế biến cá ngừ, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, cải tiến các loại ngư lưới cụ, trang thiết bị phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương.

e) Về hợp tác quốc tế:

- Tổng cục Thủy sản là đầu mối và phối hợp với các địa phương có chương trình hợp tác riêng với Nhật Bản về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến, bảo quản cá ngừ; đồng thời mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới.

- Tổng cục Thủy sản đề xuất đổi mới công tác xúc tiến thương mại, mở rộng tìm kiếm các thị trường khác nhau, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

- Các địa phương chủ động xúc tiến đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp và đối tác nước ngoài.

[...]