Thông báo 90/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 90/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 26/03/2010 |
Ngày có hiệu lực | 26/03/2010 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2010 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 15 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009, 02 tháng đầu năm 2010 và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010; tình hình thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và chống ngập trên địa bàn thành phố; Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị có liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông và chống ngập trên địa bàn thành phố; ý kiến của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
Thường trực Chính phủ đánh giá cao và biểu dương những kết quả khá toàn diện đã đạt được trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2 năm 2008, 2009 của thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh tình hình lạm phát tăng cao, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến nước ta, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực, phấn đấu, năng động, sáng tạo và chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ với sự chỉ đạo tập trung, điều hành linh hoạt, quyết liệt, cụ thể để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn Thành phố đạt 10,7% góp phần để tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 6,3%. Năm 2009, Thành phố thực hiện đạt 18/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, riêng 02 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (thành phố đạt 8%, bằng 1,53 lần so với cả nước) và kim ngạch xuất khẩu tuy chưa hoàn thành nhưng cũng đạt ở mức cao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội vượt kế hoạch (tăng 23,1% so với cùng kỳ); chỉ số giá cả được kiểm soát thấp hơn so với bình quân chung của cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Hai tháng đầu năm 2010, Thành phố cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp đều cao hơn cả nước; đặc biệt Thành phố đã làm tốt việc kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết Canh Dần.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần quyết tâm hơn nữa, phát huy những thành tựu đạt được để giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, vị trí trung tâm về nhiều mặt đối với cả nước, cùng cả nước phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ trung bình thế giới.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2010
1. Năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn và sự kiện trọng đại. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Thành phố cần tập trung nỗ lực cao nhất để đóng góp thiết thực cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009 (GDP tăng khoảng 11%); hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng nhưng phải chú ý nâng cao chất lượng, tăng trưởng cả về quy mô và chiều sâu, tăng trưởng và phát triển hài hòa, tiến tới bền vững. Thành phố cần chú ý chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.
Tình hình giá cả một số nguyên vật liệu có xu hướng tăng trong thời gian tới do năm 2010 là năm thực hiện nhiều cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) đến thời hạn thực thi, nhất là cam kết về lộ trình giảm thuế nhập khẩu và mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thành phố cần phát huy những kết quả đạt được trong việc kiểm soát giá cả thị trường trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, tiếp tục triển khai quyết liệt trong năm 2010, nhất là kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu để góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, không để lạm phát cao trở lại. Đồng thời, Thành phố cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế, giảm số vụ ùn tắc giao thông; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt lưu ý chủ động đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm theo kiểu xã hội đen có sử dụng vũ khí nóng.
2. Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 với mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao hơn, chất lượng cao hơn, hiệu quả và cạnh tranh tốt hơn, tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, thành phố cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm và cũng là 03 khâu đột phá lớn:
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế và đầu tư;
- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới;
- Đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên lĩnh vực giao thông và chống ngập để tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
3. Để đầu tư nhanh hơn hệ thống kết cấu hạ tầng, thành phố cần tập trung thực hiện các công việc chủ yếu sau:
a) Khẩn trương rà soát lại quy hoạch (quy hoạch chung, ngành, lĩnh vực) để cập nhật, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn và định hướng phát triển của Thành phố; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để các dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân được hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ, từ đó sẽ phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng. Muốn vậy, thành phố cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí vốn và thuê tư vấn có năng lực lập dự án, thiết kế dự toán để kêu gọi đầu tư và tìm kiếm nguồn vốn triển khai thực hiện trước công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án, công trình trọng điểm.
b) Thành phố là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và thủy triều dâng, do đó cần chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể như trồng rừng, thực hiện nhanh quy hoạch thủy lợi chống ngập úng bằng các dự án xây dựng công trình thủy lợi, cống và đê bao nhằm giảm thiểu tác hại.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
Thường trực Chính phủ đồng ý các kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
1. Về bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng:
a) Về Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành:
Chấp thuận chủ trương cho Ủy ban nhân dân thành phố tiến hành nghiên cứu việc tổ chức kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác (Cần Giờ) bằng một nút giao thông khác mức; giao Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị kỹ Báo cáo đánh giá tác động môi trường để có cơ sở thuyết phục nhà tài trợ bổ sung vốn cho việc xây dựng nút giao này. Trong trường hợp các nhà tài trợ không đồng ý, giao Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn khác để thực hiện công trình như một dự án độc lập (tên là dự án Nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác) và đầu tư thực hiện đồng thời với tiến độ của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
b) Về Dự án xây dựng Vành đai 3:
Do ngân sách Trung ương còn hạn chế nên không thể đầu tư đồng thời toàn tuyến mà mỗi địa phương trên Vành đai 3 (thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An) có trách nhiệm huy động nguồn vốn để đầu tư và xây dựng đoạn đường trên địa bàn mình quản lý; Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm làm đầu mối lập quy hoạch, thiết kế, dự toán toàn tuyến, hoàn thiện hồ sơ dự án để bàn giao cho các địa phương thực hiện. Do đó, Thành phố thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 12 tháng 01 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ.
c) Về Dự án đường trên cao số 1, 2, 3 và 4:
Chấp thuận chủ trương cho Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức công tư hợp tác (PPP), ngân sách nhà nước bố trí vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; thành phố kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện các công trình trên bằng hình thức BOT hoặc hình thức công tư hợp tác; trong đó trước mắt ưu tiên đầu tư cho tuyến trên cao số 1 nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trục Bắc - Nam và tạo động lực cho việc kêu gọi đầu tư vào các tuyến trên cao còn lại.
d) Về thực hiện sáu tuyến tàu điện ngầm (metro) theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố: