Thông báo 46/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 46/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 28/01/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Kiều Đình Thụ |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 46/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013
Ngày 09 tháng 01 năm 2013 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2013, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
I. Đánh giá chung
Năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, công tác tư pháp đã được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Công tác xây dựng thể chế đạt nhiều kết quả tích cực, về cơ bản đã hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết của Chính phủ trong nhiều năm qua đã giảm rõ rệt.
- Ngành Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
- Cơ chế theo dõi thực thi pháp luật được hình thành và được triển khai có kết quả bước đầu, thể hiện qua việc phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, nhân dân, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật.
- Công tác hành chính tư pháp đã đi vào nền nếp, giải quyết một khối lượng lớn yêu cầu của người dân trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được tăng cường (luật sư, công chứng, công tác trợ giúp pháp lý, nghiên cứu đề xuất quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở... cũng được triển khai tích cực).
- Công tác thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố, đã tổ chức tốt việc tổng kết thí điểm thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh và được Quốc hội cho phép tiếp tục thí điểm mô hình này.
- Công tác đào tạo cán bộ pháp luật cho cơ sở được đẩy mạnh với việc sớm hoàn thành Quy hoạch hệ thống 05 Trường Trung cấp luật tại các khu vực, tạo cơ sở triển khai toàn diện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực pháp luật trên toàn quốc.
Những kết quả nêu trên đã đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ đó, vai trò của ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định; vị trí ngày càng được củng cố, tăng cường; Ngành được giao thêm một số nhiệm vụ mới.
Tuy nhiên, công tác tư pháp vẫn còn những tồn tại, yếu kém chủ yếu sau: Hệ thống pháp luật cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính khả thi chưa cao, tiến độ, chất lượng xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, nhất là ở cấp Trung ương, cấp Bộ và liên Bộ; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn. Việc triển khai thi hành các luật mới như Luật lý lịch tư pháp, Luật nuôi con nuôi, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn chậm, đặc biệt nhiều địa phương thiếu sự quan tâm đưa pháp luật vào cuộc sống. Công tác hộ tịch liên quan đến người dân rất nhiều, nhưng chậm được đổi mới, còn thủ công, chưa đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Hiện tượng tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự, công chứng có chiều hướng gia tăng, đáng báo động; hình ảnh của công chức thi hành án dân sự chưa tốt.
Về nguyên nhân của tồn tại, yếu kém: Lãnh đạo của một số Bộ, ngành và địa phương chưa thấy rõ vai trò của công tác tư pháp, chưa quan tâm đến việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của ngành Tư pháp; chưa kịp thời đầu tư đúng mức các nguồn lực và công chức cho ngành Tư pháp. Nhiều bộ phận, lĩnh vực công chức tư pháp còn non yếu, nhất là thái độ, trách nhiệm của một số công chức tư pháp các cấp đối với người dân chưa thực sự đem lại lòng tin cho nhân dân; công chức làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được kiện toàn đúng theo quy định của Chính phủ.
II. Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2013
Cần xác định công tác tư pháp không chỉ là của Bộ Tư pháp mà còn là của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp, pháp chế, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các nhiệm vụ sau:
1. Chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, lấy ý kiến địa phương về dự án Luật sửa đổi Luật đất đai (sửa đổi);
2. Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu cho Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó chú trọng các dự án luật lớn như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất). Đây là những luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển xã hội. Phấn đấu không để xảy ra tình trạng xin lùi, rút làm thay đổi chương trình; đồng thời khẩn trương ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng các văn bản này trong năm 2013;
3. Tập trung triển khai thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật, cần có các giải pháp đột phá nhằm tạo cơ chế thống nhất, hiệu quả, gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, tạo cơ sở cho việc chuyển hướng từ tập trung xây dựng thể chế sang tập trung thực thi thể chế; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013 theo tình hình thực tiễn thi hành pháp luật của từng Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đẩy mạnh kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành và địa phương, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chú trọng những lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc. Kết hợp có hiệu quả giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với việc tăng cường hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là một giải pháp nhằm tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, nhất là những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc những khoảng trống pháp luật hiện nay trong một số lĩnh vực đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân;
4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Đây là nhiệm vụ Chính phủ mới giao cho ngành Tư pháp. Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng trình Chính phủ Đề án “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân và cơ sở dữ liệu về dân cư” trong năm 2013. Giao Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp làm tốt hơn nữa việc công khai minh bạch, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng ngừa tham nhũng, xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; sớm bàn giao để ổn định công tác của bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
5. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính và hoàn thành việc xây dựng các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực trong nửa đầu năm 2013; trong đó, đặc biệt chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý, đồng bộ của các văn bản và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện;
6. Ngành Tư pháp cần quan tâm, kiên quyết hơn trong việc chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao trên 88% về vụ việc và trên 77% về giá trị; chống tiêu cực, sai phạm trong thi hành án dân sự; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án cần chỉ đạo sát sao hơn về công tác này, nhất là đối với việc phân loại án;
7. Thực hiện đồng bộ các luật do Quốc hội mới ban hành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, đặc biệt là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật lý lịch tư pháp. Quan tâm thực hiện tốt, hiệu quả pháp luật về hộ tịch, chứng thực;
8. Triển khai một cách có chất lượng Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới cách thức, mô hình tuyên truyền, phổ biến; cần quan tâm bố trí cán bộ và kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt công tác này; đổi mới một cách đồng bộ công tác giáo dục ý thức công dân ở trong các trường học thuộc hệ thống giáo dục và các môi trường xã hội khác; chuẩn bị tốt việc tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên trong toàn quốc theo quy định của Luật.
9. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng, luật sư, trợ giúp pháp lý cho người nghèo... Đây là khâu rất quan trọng để đảm bảo cho hoạt động tố tụng diễn ra đúng pháp luật, bảo đảm công lý. Các Đoàn Luật sư, Hội Luật gia đẩy mạnh hoạt động hơn để xã hội hóa, tăng cường chất lượng tư pháp bảo vệ công lý cho nhân dân;
10. Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, công chức có chức danh tư pháp và cán bộ tư pháp cơ sở. Tổ chức thực hiện tốt Đề án “Xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, tập trung phát triển 05 Trường Trung cấp Luật đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt ở Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ.