Thông báo 457/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 457/TB-VPCP
Ngày ban hành 12/12/2018
Ngày có hiệu lực 12/12/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Đầu tư

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 457/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC SƠ KẾT 05 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Ngày 10 tháng 11 năm 2018, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và lãnh đạo, đại diện các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng dân tộc của Quốc hội; các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; một số nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức quốc tế.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt kết quả 05 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành địa phương đã nghiêm túc triển khai tổ chức Sơ kết và báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Đề án, đánh giá đầy đủ và sâu sắc những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế để rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp thời gian tới. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt về nguồn lực, xây dựng các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, cụ thể như Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án), gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm để thực hiện Nghị quyết quan trọng nêu trên. Sau 05 năm triển khai thực hiện (2013 - 2017). Đề án đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án về 03 trụ cột về kinh tế - xã hội và môi trường, đã tiệm cận với các mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp được đổi mới, hoàn thiện hơn; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, tiềm năng vùng, miền, địa phương và ngày càng thích ứng hơn với biến đổi khí hậu. Quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ cấu sản xuất, kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Các nông sản chủ lực, có lợi thế trên thị trường như thủy sản, rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản vẫn tiếp tục khẳng định được vị thế khi hội nhập quốc tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khoa học công nghệ được triển khai ứng dụng trong nông nghiệp, đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp; có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đó là:

Chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp ở một số nơi còn thấp; sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương phát triển thiếu bền vững. Ở nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp chưa gắn với thị trường dẫn đến dư thừa các sản phẩm nông nghiệp.

Hạ tầng cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao còn bất cập, chưa tạo được đột phá để cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, chất lượng chưa cao. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, áp lực cạnh tranh từ hội nhập quốc tế và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp.

II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

Trước những cơ hội, thách thức, ngành nông nghiệp với mục tiêu chiến lược là: Xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng; tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với lợi thế từng vùng, từng địa phương tạo ra khối lượng sản phẩm lớn hay nhỏ đều dựa vào năng suất; gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, lấy thị trường quốc tế là mục tiêu để cạnh tranh, phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, trong đó coi doanh nghiệp, hợp tác xã là động lực phát triển, nông dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng phục vụ để tăng thu nhập; tăng cường công tác quản lý sản phẩm nông nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể là:

1. Cần xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Phát triển bền vững kinh tế nông thôn về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới để phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và từng lĩnh vực để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.

3. Khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất; phát huy cao nội lực; tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân.

4. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghiệp ở khu vực nông thôn nhằm tạo nhiều việc làm mới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần giảm lao động trong khu vực nông nghiệp để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

5. Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản - phẩm nông nghiệp, hình thành các mô hình liên kết chặt chẽ, bình đẳng tin cậy giữa nông dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

6. Có giải pháp căn cơ để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, bảo đảm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ; cần nghiên cứu các mô hình kinh tế chia sẻ, có giải pháp công nghệ mới nâng cao khả năng kết nối sản xuất - thị trường, tăng cường năng lực dự báo cung - cầu nông sản; cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn, kém chất lượng.

7. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về nông nghiệp.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ TẠI HỘI NGHỊ

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu nội dung các ý kiến tại cuộc họp, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nông nghiệp, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

2. Về cơ chế, chính sách

a) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ được giao sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 về Nông nghiệp hữu cơ theo quy định.

b) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển giống cây trồng, nhất là phát triển giống cây công nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về nhập khẩu giống cây trồng; tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn sau năm 2020.

3. Về nguồn lực

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất cơ chế để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp an toàn cho nông dân; khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; triển khai thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 về Nông nghiệp hữu cơ.

[...]