Thông báo 410/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến về ứng phó với bão mạnh, siêu bão do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 410/TB-VPCP
Ngày ban hành 13/10/2014
Ngày có hiệu lực 13/10/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 410/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO

Ngày 07 tháng 10 năm 2014, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương về ứng phó với bão rất mạnh, siêu bão. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, báo cáo kết quả nghiên cứu của một số cơ quan nghiên cứu, dự báo; ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng đã kết luận, chỉ đạo như sau:

1. Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an và Đài Truyền hình Việt Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tích cực tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực tế công tác đối phó với siêu bão Haiyan xảy ra tại Philippin năm 2013, xác định nguy cơ xảy ra bão rất mạnh, siêu bão ở nước ta, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm chủ động ứng phó. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, đưa ra được phân vùng bão, cũng như mức nước biển dâng do bão đối với từng khu vực, đánh giá các tác động của bão đến công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bước đầu đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm bản đồ ngập tại một số khu vực ứng với kịch bản phân vùng bão và nước dâng do bão. Đây là những số liệu ban đầu, quan trọng làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

2. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; mặc dù các kết quả nghiên cứu chưa khẳng định biến đổi khí hậu dẫn đến tần suất thiên tai tăng hơn, nhưng đã làm cho mức độ thiên tai ngày càng khốc liệt, cực đoan hơn; nhiều mô hình dự báo cũ dựa trên số liệu quan trắc nhiều năm trong quá khứ đã không còn phù hợp, công tác dự báo ngày càng khó khăn, nhất là dự báo mưa, lũ. Theo kết quả ban đầu về phân vùng bão, trong thời gian tới, bão có thể xảy ra tại các vùng đều mạnh hơn các số liệu đã ghi nhận được khoảng từ 1 đến 2 cấp, tại vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định có thể sẽ xảy ra siêu bão (sức gió mạnh cấp 16), tại các tỉnh từ Phú Yên đến Cà Mau có thể xảy ra bão rất mạnh (sức gió mạnh cấp 13, cấp 14), nước biển dâng kết hợp thủy triều cao từ 3 đến trên 6,2m.

3. Để chủ động ứng phó với tình huống xảy ra bão rất mạnh và siêu bão, trong thời gian tới đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số công việc sau đây:

- Trước hết các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về những nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai, những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu để từng người dân, từng cơ quan, tổ chức phải nhận thức được và chủ động có kế hoạch, biện pháp để tự đảm bảo an toàn, tự lo cho mình trước.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, cập nhật để xác định rõ hơn, với mức độ tin cậy cao hơn về phân vùng bão, mức nước biển dâng trong bão nhằm đưa ra các công bố ngày càng đầy đủ hơn làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực dự báo, đẩy mạnh triển khai chủ trương xã hội hóa để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống quan trắc nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, cập nhật bản đồ cảnh báo ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng do bão, nhất là trong tình huống xảy ra bão rất mạnh, siêu bão để cung cấp kịp thời cho các địa phương làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó.

- Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bổ sung để chủ động ứng phó với tình huống bão rất mạnh, siêu bão. Chậm nhất tháng 6 năm 2015, tất cả các địa phương, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương phải xây dựng, ban hành phương án cụ thể ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão, trong đó cần xác định cụ thể những khu vực nguy hiểm, số hộ dân, số người dân cần phải sơ tán trong tình huống bão rất mạnh, siêu bão, địa điểm sơ tán đến. Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương đôn đốc, phân công các Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp kiểm tra việc thực hiện của các địa phương.

- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng để ứng phó; rà soát lại toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để chủ động ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão.

- Các bộ, ngành chủ động rà soát lại quy hoạch ngành của mình, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch của bộ, ngành để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là trong tình huống bão rất mạnh, siêu bão.

- Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phương tiện cần thiết để chủ động ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão có hiệu quả.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban Quốc gia TKCN;
- Ban Chỉ đạo PCLBTW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các vụ: TH, KTTH, V.III, KGVX, NC;
- Lưu: VT, KTN (3), Tuynh.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục