Thông báo 391/TB-VPCP năm 2018 ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi thị sát và chỉ đạo ứng phó lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 391/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 05/10/2018 |
Ngày có hiệu lực | 05/10/2018 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 391/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2018 |
Ngày 23 tháng 9 năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi thị sát tình hình lũ lụt, thăm hỏi, động viên người dân tại một số khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ, sạt lở bờ sông thuộc thị xã Hồng Ngự và huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Tài chính; về phía địa phương có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
Sau khi thị sát, Phó Thủ tướng và Đoàn công tác đã làm việc với các địa phương vùng lũ đầu nguồn sông Cửu Long; cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Long An, An Giang và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang. Sau khi nghe báo cáo về tình hình, công tác ứng phó với lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, phát biểu của các địa phương và ý kiến một số cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng kết luận và chỉ đạo như sau:
Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long là quy luật tự nhiên, ngoài những mặt hại, lũ cũng mang lại lợi ích, tăng nguồn lợi thủy sản, bổ sung lượng nước, phù sa, thau chua, rửa phèn, diệt trừ sâu bệnh. Năm 2018, mặc dù lũ xảy ra sớm hơn mọi năm, đỉnh lũ tại vùng thượng nguồn sông Cửu Long đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 và duy trì ở mức cao trong thời gian dài (đỉnh lũ thấp hơn năm 2000 và 2011, cao hơn năm 2014) nhưng hầu hết người dân vùng lũ được đảm bảo an toàn và sinh sống ổn định trong mùa lũ. Có được kết quả đó là từ hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng đã được triển khai thực hiện chủ trương “sống chung với lũ” trong những năm qua, đặc biệt là việc trông giữ trẻ tập trung, các chương trình kiểm soát lũ, kiểm soát mặn và cải tạo đất, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn (An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang) đã chủ động, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó hiệu quả, tranh thủ những mặt lợi, giảm thiểu tác hại do lũ, góp phần giảm thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân (đến nay không xảy ra thiệt hại về người).
a) Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long:
- Tập trung rà soát, xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ với mức lũ cao nhất theo dự báo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng trẻ em, học sinh, tổ chức và quản lý các điểm trông trẻ tập trung, đưa đón học sinh, tổ chức giao thông an toàn trên sông nước, tổ chức các điểm cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ kịp thời khi sự cố, tai nạn xảy ra.
- Rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông, kênh, rạch, vùng bị ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn.
- Rà soát tình hình đời sống của nhân dân, kịp thời hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn bị ngập lụt, không để hộ dân, người dân nào thiếu đói do lũ.
- Đảm bảo chương trình học tập cho học sinh, quản lý, đưa đón học sinh đến trường an toàn, tổ chức học bù cho học sinh tại các vùng ngập lũ ảnh hưởng đến lịch học tập.
- Tập trung bảo vệ công trình hạ tầng, các tuyến đê bao, bờ bao bảo vệ các khu dân cư, bảo vệ sản xuất. Các địa phương chủ động huy động lực lượng tại chỗ và sử dụng các nguồn lực của địa phương để bảo vệ các công trình hạ tầng và khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch có thể xảy ra khi nước rút.
- Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo kế hoạch sản xuất kịp thời vụ ngay sau khi lũ rút.
- Đảm bảo điều kiện y tế, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, cung cấp nước sạch, xử lý môi trường, không để phát sinh dịch bệnh sau lũ.
b) Các cơ quan, bộ, ngành Trung ương:
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tăng cường dự báo, nhận định diễn biến lũ sát thực tế, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và nhân dân biết phục vụ chỉ đạo điều hành, ứng phó lũ.
- Bộ Y tế chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo hoạt động y tế, khám chữa bệnh, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong thời gian ngập lũ và sau lũ.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và chương trình học tập cho học sinh.
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành có liên quan cần quán triệt, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó các bộ, ngành chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng tái cấu trúc lại các ngành, lĩnh vực sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể, đặc điểm của vùng và từng địa phương để chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Rà soát lại các quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, nông thôn, hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện, nước,...), công nghiệp và quy hoạch bố trí lại dân cư để chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở ven sông, kênh, rạch, ven biển, khu vực ngập sâu. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, cân đối các nguồn lực, xác định tiến độ thực hiện quy hoạch và các dự án ưu tiên để từng bước đầu tư.
- Về xây dựng kịch bản ứng phó lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì hướng dẫn các địa phương.