Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông báo 365/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 365/TB-VPCP
Ngày ban hành 11/11/2016
Ngày có hiệu lực 11/11/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 365/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Ngày 15 tháng 10 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các Ủy viên Ban Chỉ đạo; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; đại diện Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các cơ quan chuyên môn ở địa phương; đại diện Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày Báo cáo, phát biểu của đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ngay từ ngày đầu thành lập nước, Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã xác định, cả 3 thứ giặc cần phải tiêu diệt đó là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Khi thực hiện đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực, tạo điều kiện tối đa để người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Do vậy, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật: tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ trên 58% năm 1993 xuống còn 4,42% vào cuối năm 2015 (theo chuẩn đa chiều là 9,88%), về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ “giảm một nửa số người nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015”, đây là thành quả đáng trân trọng và tự hào.

Có được thành quả trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán của Đảng, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của toàn xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, đặc biệt là bài học kinh nghiệm quý của các địa phương nghèo được nhân rộng, ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương các ngành, các cấp, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền đất nước, các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo bền vững.

2. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo ở nước ta còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức cần vượt qua như sau:

- Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao; cả nước còn 41 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%, trong đó có 10 huyện tỷ lệ nghèo trên 70%, nhất là các địa phương thường xuyên bị thiên tai;

- Khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước;

- Chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống. Nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo;

- Việc thực hiện chế độ, chính sách còn bất cập, có nơi, có lúc còn sai quy định, lợi dụng chính sách giảm nghèo để trục lợi cá nhân. Còn hiện tượng một số địa phương thu quá mức trong xây dựng nông thôn mới, làm cho người nghèo càng nghèo hơn;

- Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo;

- Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn yếu kém, khó khăn để thu hút đầu tư, sản xuất, lưu thông hàng hóa. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp, phong tục tập quán sản xuất lạc hậu.

II. VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THỜI GIAN TỚI

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định rõ, trong giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm và đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Để thực hiện những mục tiêu, yêu cầu cao hơn trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, nhất là người nghèo. Đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo; thiên tai, thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ thường xuyên xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là các địa phương miền Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo làm cho họ khó thoát nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, có giải pháp phù hợp, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Về xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo bền vững

Yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

2. Về xây dựng kế hoạch, bố trí, huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình)

- Các Bộ ngành, địa phương cần đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.

- Các Bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn để bảo đảm nguồn vốn đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã quy định. Các địa phương có trách nhiệm bố trí đủ vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” để thực hiện Chương trình.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm cấp đủ số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn điều lệ theo quy định cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan trong Chương trình.

- Các địa phương:

+ Tích cực tham gia, đóng góp thiết thực vào hoạt động tín dụng chính sách xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

+ Rà soát, phân kỳ đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư, tránh giàn trải, nợ đọng, bảo đảm đúng quy định của Luật đầu tư công; kế hoạch, giải pháp sử dụng nguồn lực cho giảm nghèo cần bảo đảm toàn diện, hiệu quả, phù hợp với các nội dung giảm nghèo đa chiều.

[...]