Thông báo 3527/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3527/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 26/07/2012
Ngày có hiệu lực 26/07/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Văn Việt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3527/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Ngày 18 tháng 7 năm 2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về: Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và xây dựng hai khu hành chính – kinh tế đặc biệt Móng Cái, Vân Đồn” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh xây dựng để trình Bộ Chính trị và công tác phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Bí thư và Phó Bí thư tỉnh ủy; đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh. Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có Lãnh đạo các Tổng cục: Thủy sản, Thủy Lợi, Lâm nghiệp; Cục Thú y; các Vụ: Kế hoạch, Tổ chức cán bộ, Pháp chế; Văn phòng Bộ; Viện Nghiên cứu NTTS 1, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 2.

Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trình bày báo cáo về Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và xây dựng hai khu hành chính – kinh tế đặc biệt Móng Cái, Vân Đồn” và đồng chí Chủ tịch Tỉnh báo cáo về công tác phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới của tỉnh và các ý kiến kiến nghị của các đại biểu dự họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận như sau:

1. Về Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và xây dựng hai khu hành chính – kinh tế đặc biệt Móng Cái, Vân Đồn”:

a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ và đánh giá cao việc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án một cách toàn diện, sâu sắc, với những nhận định, đánh giá cụ thể về tình hình của Tỉnh và đề ra được những mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc phát triển và các giải pháp thực hiện. Bộ tin rằng việc thực hiện Đề án này sẽ làm cho kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt vai trò, vị trí của Tỉnh trong sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo vững chắc nền an ninh quốc phòng của đất nước.

b. Về một số góp ý về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn:

- Bộ nhất trí với những đánh giá của Tỉnh về tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Bộ cũng nhất trí cao trong việc Tỉnh chú trọng phát huy mọi tiềm năng để phát triển nông nghiệp nông thôn, như 1 trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế-xã hội. Để thực hiện chủ trương đó Tỉnh cần làm rõ các cây trồng, vật nuôi chủ lực, là lợi thế của Tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện.

- Về thủy sản: Bộ nhất trí với việc phát triển kinh tế biển, về cả đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay chủ trưởng của Bộ là nâng cao chất lượng hiệu quả đánh bắt để phát triển bền vững và ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các tàu đi đánh bắt xa bờ để tránh việc khai thác quá mức các nguồn lợi ven bờ. Về nuôi trồng thủy sản: Tỉnh nên lựa chọn phát triển nuôi các sản phẩm có tính chủ lực, là lợi thế của Tỉnh như các loài nhuyễn thể (tu hài, nghêu, hầu…). Tuy nhiên, phải có biện pháp phát triển bền vững (lựa chọn các loại giống tốt, phổ biến áp dụng các quy trình nuôi phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ…).

- Về nông nghiệp: Đề nghị Tỉnh chỉ đạo rà soát kỹ để hướng dẫn người dân phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên từng địa bàn phù hợp với điều kiện tự nhiên đa dạng của Tỉnh, đồng thời hướng dẫn đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt là trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

- Về lâm nghiệp: Bộ đánh giá cao những nỗ lực của Tỉnh trong công tác bảo vệ và phát triển rừng và đạt được độ che phủ rừng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên đề nghị Tỉnh tiếp tục có các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp và cá nhân có vốn đầu tư vào trồng rừng; tập trung vào một số loại cây là lợi thế của tỉnh như: cây keo, bạch đàn, thông…

- Về một số giải pháp:

+ Đề nghị rà soát để có quy hoạch phù hợp đảm bảo phát triển hài hòa giữa nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, cụ thể hóa trên từng địa bàn, tránh gây cản trở lẫn nhau.

+ Tiếp tục thúc đẩy việc chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất: Bộ nhất trí và ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Tỉnh về việc thành lập một Trung tâm đào tạo chuyên ngành về thủy sản và Trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản để chủ động hơn về giống. Mặt khác đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển về giống và áp dụng khoa học công nghệ.

+ Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn cần phải tính đến yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo rà soát các quy hoạch và xác định danh mục các công trình ưu tiên để phối hợp triển khai thực hiện, trong đó có một số công trình trọng điểm như: Khe Cát… Trong đó chú trọng rà soát lại quy hoạch các hồ chứa cần đầu tư xây dựng.

- Về các chính sách cho nông nghiệp, nông thôn: Bộ sẽ nghiên cứu kỹ những đề xuất của Tỉnh để tham gia vào Đề án, nhất là các chính sách quản lý về đất đai và mặt nước. Đề nghị Tỉnh cần cân nhắc những đề xuất về chính sách đất đai có phân biệt cho công nghiệp và du lịch, các chính sách cho thuê để trồng rừng và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt có liên quan đến yếu tố nước ngoài; ưu tiên, linh hoạt hơn để các thành phần kinh tế trong nước tiếp cận dễ dàng hơn với đất và mặt nước để đầu tư trồng rừng và nuôi trồng thủy sản.

- Về phát triển nông thôn: Bộ nhất trí với tinh thần chỉ đạo của Tỉnh trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới. Hiện Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch, đề án, cần tiếp tục hướng dẫn lựa chọn các nội dung ưu tiên để thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến phát triển sản xuất.

- Về các góp ý cụ thể đối với Đề án: Giao Vụ Kế hoạch nghiên cứu để Bộ có góp ý cụ thể bằng văn bản đối với Đề án của Tỉnh.

2. Về các kiến nghị của Tỉnh:

- Bộ tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của Tỉnh về sửa đổi cơ chế, chính sách, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch bệnh thủy sản.

Bộ giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu NTTS 1 tiếp tục tập trung cao độ, huy động tối đa lực lượng cán bộ, chuyên gia khoa học trong và ngoài nước làm rõ nguyên nhân gây bệnh trên tu hài, ngao; đưa ra quy trình nuôi an toàn để hướng dẫn người nuôi phục hồi sản xuất.

- Bộ tiếp thu các gợi ý của Tỉnh về sửa các tiêu chí, cơ chế vận hành về xây dựng nông thôn mới để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Về các dự án Tỉnh kiến nghị: Bộ ghi nhận, giao Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản, Vụ Kế hoạch xem xét, bố trí khi có nguồn vốn của Chính phủ giao.

- Bộ nhất trí với đề xuất của Tỉnh về việc xây dựng Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Giao Văn phòng Bộ làm đầu mối phối hợp với cơ quan đầu mối của Tỉnh để triển khai thực hiện.

3. Về các kiến nghị của Bộ đối với Tỉnh:

- Về tình hình dịch bệnh trên Tu hài: Bộ chia sẻ với người dân và tỉnh Quảng Ninh về những tổn thất do dịch bệnh gây ra trên Tu hài trong thời gian vừa qua, đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ để tìm ra nguyên nhân và đưa ra quy trình hướng dẫn người nuôi phục hồi sản xuất.

- Về tình hình kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển qua cửa khẩu biên giới: Đề nghị Tỉnh quan tâm chỉ đạo các xã ở biên giới thực hiện việc cam kết không vận chuyển, buôn bán trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới, nhất là đối với gia súc, gia cầm bị bệnh, nhằm phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm; đồng thời tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu cây, con giống không rõ nguồn gốc.

[...]