Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Quyết định 14/QĐ-BCĐGDTP năm 2011 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương do Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương ban hành

Số hiệu 14/QĐ-BCĐGDTP
Ngày ban hành 16/03/2011
Ngày có hiệu lực 16/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương
Người ký Trương Vĩnh Trọng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP Ở CẤP TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/QĐ-BCĐGĐTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP” Ở CẤP TRUNG ƯƠNG

TRƯỞNG BAN BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP Ở CẤP TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”;
Căn cứ Quyết định số 1359/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Thủ trưởng Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, TCCV, PL, NC
- Lưu: Văn thư, BCĐGĐTP (3b)

TRƯỞNG BAN
PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Trương Vĩnh Trọng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP” Ở CẤP TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-BCĐGĐTP ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương)

Chương 1.

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG

Điều 1. Vị trí, chức năng của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (sau đây gọi tắt là Đề án).

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo

1. Ban Chỉ đạo thảo luận tập thể các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

2. Ban Chỉ đạo hoạt động theo kế hoạch hàng năm và các hoạt động đột xuất khác theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc đề nghị của các thành viên khác của Ban Chỉ đạo mà được Trưởng Ban Chỉ đạo chấp nhận. Kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo được thông qua tại phiên họp Ban Chỉ đạo cuối năm trước của năm công tác. Kế hoạch hoạt động hàng năm và báo cáo năm được gửi đến Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các thành viên Ban Chỉ đạo và Chính phủ, các cơ quan có liên quan.

Chương 2.

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 3. Hoạt động của Ban Chỉ đạo

1. Hoạt động của Ban Chỉ đạo được thể hiện qua phiên họp toàn thể, qua các hoạt động của Trưởng ban, Phó Trưởng Ban, các thành viên và Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm và từng thời kỳ.

2. Ban Chỉ đạo họp thường kỳ một năm hai lần vào tháng 6, tháng 12 của năm và họp đột xuất theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo.

3. Thành viên Ban Chỉ đạo phải tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo và có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung về lĩnh vực được phân công. Trường hợp không thể dự họp được, thành viên Ban Chỉ đạo phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và có thể ủy quyền cho người có thẩm quyền khác tham dự nhưng phải chịu trách nhiệm về ý kiến tham gia của người được ủy quyền.

4. Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo. Trong trường hợp Trưởng Ban Chỉ đạo vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Điều 4. Các công việc được giải quyết tại phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo

[...]