Thông báo 325/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 325/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 11/11/2009 |
Ngày có hiệu lực | 11/11/2009 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 325/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG, QUẢN LÝ LÂM SẢN.
Ngày 26 tháng 10 năm 2009, tại phòng họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Trương Vĩnh Trọng, đại diện Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh Đề án quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo nội dung sau đây:
1. Nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý để bảo đảm tất cả các loại rừng và đất lâm nghiệp đều có chủ sử dụng và quản lý thật sự, cụ thể:
- Đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng: Cần tăng cường năng lực của các Ban quản lý rừng và tiến hành khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài cho hộ gia đình cán bộ công nhân lâm trường, hộ gia đình nông dân và các cá nhân người lao động, cộng đồng dân cư thôn sống trong địa bàn.
- Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện đang được các lâm trường, các Công ty lâm nghiệp… quản lý: tăng cường kiện toàn, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh; tiến hành khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài cho hộ gia đình cán bộ công nhân lâm trường, hộ gia đình nông dân và các cá nhân người lao động, cộng đồng dân cư thôn sống trong địa bàn của lâm trường.
- Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên do các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) đang quản lý, thực hiện việc giao đất, giao và khoán rừng cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân người lao động và cộng đồng dân cư thôn.
2. Đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng các vật liệu thay thế gỗ rừng tự nhiên (nhựa, sắt thép, kim loại) trong việc đóng tàu thuyền và xây dựng các công trình dân dụng, đồng thời khuyến khích sản xuất và sử dụng đồ gỗ gia dụng từ ván gỗ nhân tạo thay thế gỗ rừng tự nhiên, phát triển các nhà máy sản xuất ván nhân tạo.
3. Khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự của ngành Nông – lâm nghiệp các cấp (tỉnh, huyện, xã) bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
4. Tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ rừng. Cần phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Kiểm lâm với Công an địa bàn.
Xác định rõ vai trò trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Đồng ý về nguyên tắc tăng biên chế kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Nội vụ để xây dựng đề án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Giao các đơn vị Quân đội tham gia nhận khoán rừng, tổ chức bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn đóng quân; tham gia phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, công an, tuần tra truy quét, ngăn chặn các hoạt động lấn chiếm đất lâm nghiệp, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái pháp luật.
6. Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn có rừng, nhất là các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |