Thông báo 307/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 307/TB-VPCP
Ngày ban hành 21/08/2020
Ngày có hiệu lực 21/08/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 307/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Ngày 20 tháng 7 năm 2020, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến của các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực, quyết tâm, dồn sức tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, có những kinh nghiệm tốt trong chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh triển khai giải ngân đầu tư công. Đặc biệt đã chung tay cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt, kéo giảm sâu Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), chỉ tăng 1,02% so với cùng kỳ (7,86%). Tuy nhiên, Thành phố vẫn có một số điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, như doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 5,8%; nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (dịch vụ y tế tăng 11,56%, tài chính ngân hàng tăng 7,82%, khoa học công nghệ tăng 7,13%, thông tin truyền thông tăng 7,26%); thu hút FDI đạt 2,01 tỷ đô la Mỹ; các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số của Thành phố. Đó là kết quả đáng khích lệ trong điều kiện vừa phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố đã tích cực triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2020, trong đó tập trung cho các dự án ODA, vốn đối ứng ODA, vốn ngân sách Thành phố tham gia thực hiện dự án PPP, các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm; công trình trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển hạ tầng xã hội; các dự án thuộc Đề án Đô thị thông minh; giáo dục đào tạo, y tế. Qua đó, đã tạo nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm của Thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giáo dục - y tế và thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Về giải ngân đầu tư công, Thành phố đã giải ngân gần 18 nghìn tỷ đồng, cao hơn về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Con số này tuy chưa là mức cao so với mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng cũng đã thể hiện sự tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt của các đồng chí Lãnh đạo Thành phố.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Hơn 20 tuần nữa là kết thúc năm 2020, để góp phần thiết thực, hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh phải chung tay quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh triển khai giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100%, trong đó tập trung một số nội dung sau:

1. Cấp ủy, chính quyền Thành phố quan tâm chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XI của Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Chuẩn bị tốt công tác lập kế hoạch đầu tư công, đặc biệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Có chiến lược số hóa trong triển khai nhiệm vụ.

3. Với vị trí, vị thế, vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh không được chậm trễ, các cấp, các ngành không được trì trệ; đặc biệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, nâng cao tính năng động, sáng tạo, bám sát công việc, tập trung sức lực để đạt kết quả cụ thể trong những vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng. Cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các dự án theo giải pháp của Chính phủ, kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó có Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

4. Tập trung các giải pháp kích cầu tiêu dùng, khẳng định vị trí Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm bán buôn và bán lẻ, với đa dạng dịch vụ của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng đề xuất biện pháp hiệu quả, phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

5. Định hướng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt dịch vụ bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp, tài chính ngân hàng, chứng khoán, du lịch, phát triển đô thị.

6. Nghiên cứu thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, gắn với tăng cường tổ chức, quản lý kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự.

7. Đẩy mạnh tăng trưởng qua phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, sử dụng điện thoại thông minh trong thanh toán, giao dịch.

8. Thúc đẩy toàn diện đầu tư công, đầu tư tư nhân trong nước và FDI, giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Không để thất thoát tài sản Nhà nước và không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Cần có chính sách và tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao tài chính doanh nghiệp, phát triển hệ thống doanh nghiệp.

9. Tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt tháo gỡ điểm khó, từ thực tiễn, nghiên cứu kiến nghị Chính phủ những vướng mắc về khung pháp lý theo từng nhóm vấn đề để xử lý kịp thời, bên cạnh đó, Thành phố phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết vấn đề vướng mắc một cách công khai, minh bạch, vì lợi ích chung, không vì một vài sai phạm mà ảnh hưởng tới sự phát triển của Thành phố; tập trung nguồn lực, kiên trì, bám sát, kịp thời xử lý những bất cập phát sinh, phát huy tinh thần tiến công cách mạng. Thành phố phấn đấu đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và phấn đấu đạt dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2020.

10. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

11. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác, phòng bùng phát dịch trở lại, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

III. VỀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Thành phố Hồ Chí Minh hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn này. Trong đó, cần tập trung giải quyết các dự án lớn, trọng điểm đang gặp khó khăn, cụ thể:

1. Về xác định vốn cấp phát của Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Thành - Suối Tiên:

- Tổng mức đầu tư được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt bằng ngoại tệ đối với phần vốn vay ODA, Dự án có nhiều khoản chi trả bằng đồng Yên Nhật Bản, các khoản vay cho Dự án bằng đồng Yên Nhật Bản nên việc xác định trị giá vốn cấp phát, vốn vay lại căn cứ tổng mức đầu tư theo đồng Yên Nhật Bản.

- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản xác định chính xác giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại Thông báo số 225/TB-VPCP ngày 08 tháng 7 năm 2020. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, đề xuất bổ sung số vốn còn thiếu so với mức được ngân sách Trung ương hỗ trợ (dự kiến bằng Đồng Việt Nam tương đương 17,814 tỷ Yên Nhật Bản) cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2020; tỷ giá tính theo thời điểm thanh toán.

2. Về Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương:

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ