Thông báo số 301/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong chuyến công tác kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 301/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 23/10/2008 |
Ngày có hiệu lực | 23/10/2008 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 301/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TRONG CHUYẾN CÔNG TÁC KIỂM TRA TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Ngày 16 và 17 tháng 10 năm 2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ Đà Nẵng đến Bình Phước. Tham gia đoàn công tác với Phó Thủ tướng có Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải; Lãnh đạo các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế và báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Lãnh đạo các tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung về tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh:
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các hạng mục thuộc dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đảm bảo hoàn thành đúng mục tiêu, yêu cầu của Dự án. Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến đường đi qua tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, phát huy những mặt được, khắc phục những tồn tại để thực hiện tốt hơn nữa trong những giai đoạn tiếp theo; đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân biết, sử dụng để phát huy hiệu quả tuyến đường này.
Về dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2: đến nay đã triển khai xây dựng được một số dự án thành phần quan trọng, đặc biệt là các dự án thành phần thuộc địa bàn khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chung của giai đoạn này về cơ bản vẫn còn chậm. Nguyên nhân chính là do công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương còn chậm, công tác chuẩn bị đầu tư theo trình tự các thủ tục về xây dựng cơ bản mất quá nhiều thời gian, năng lực một số nhà thầu yếu kém. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua cần chỉ đạo sát sao và quyết liệt hơn nữa để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu theo đúng tiến độ yêu cầu. Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện để sớm triển khai xây dựng các dự án thành phần của giai đoạn 2 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội.
2. Một số vấn đề cụ thể của dự án đường Hồ Chí Minh:
a) Về công tác giải phóng mặt bằng:
- Tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần: đoạn qua thị xã Gia Nghĩa và đoạn qua thị xã Đồng Xoài quá chậm. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Nông, Bình Phước, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các bên liên quan tập trung giải quyết dứt điểm. Cần giải quyết theo hình thức cuốn chiếu, xong đến đâu bàn giao ngay để triển khai thi công. Việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Kon Tum trong thời gian vừa qua đạt được những kết quả tốt, là bài học kinh nghiệm để các tỉnh khác học tập, áp dụng.
- Đề nghị các tỉnh sớm chuyên nghiệp hóa công tác giải phóng mặt bằng, thành lập các doanh nghiệp giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân sớm bàn giao mặt bằng.
- Hiện nay do biến động giá của thị trường đã làm cho tổng mức đầu tư của dự án, đặc biệt là phần kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng tăng nhiều. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xem xét, điều chỉnh tổng mức đầu tư trên cơ sở kết quả phê duyệt kinh phí giải phóng mặt bằng của địa phương và làm thủ tục tạm ứng trước vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.
- Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh bảo đảm đúng cam kết về tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án thành phần thuộc dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 như sau:
+ Đoạn qua thị xã Kon Tum: đến ngày 30 tháng 11 năm 2008 bàn giao toàn bộ mặt bằng (kể cả công trình công cộng).
+ Đoạn qua thị xã Gia Nghĩa: đảm bảo đúng tiến độ như cam kết của Tỉnh: đến ngày 30 tháng 11 năm 2008 bàn giao toàn bộ mặt bằng gói thầu số 1 và số 3; đến ngày 31 tháng 12 năm 2008 đối với gói thầu số 2 và số 5; đến ngày 28 tháng 02 năm 2009 đối với gói thầu số 4;
+ Đoạn qua thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức thuộc tỉnh Đắk Nông: phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng mới được khởi công xây dựng.
+ Đoạn qua thị xã Đồng Xoài: đến ngày 30 tháng 11 năm 2009 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng.
b) Công tác triển khai xây dựng:
- Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tăng cường công tác chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của các dự án thành phần. Cụ thể:
+ Đoạn qua thị xã Gia Nghĩa: hoàn thành toàn bộ cả 5 gói thầu trong năm 2009.
+ Đoạn qua thị xã Đồng Xoài: đến ngày 31 tháng 01 năm 2009 hoàn thành gói thầu số 1; đến 31 tháng 3 năm 2009 hoàn thành gói thầu số 2.
+ Các dự án thành phần: đoạn qua thị xã Kon Tum, đoạn qua thành phố Pleiku: hoàn thành đúng tiến độ đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
- Sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng đối với các dự án thành phần còn lại của giai đoạn 2 trong năm 2009 và đầu năm 2010.
- Đồng ý cho triển khai đầu tư xây dựng đoạn Đắk Nông - Đồng Xoài theo hình thức BOT. Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện theo quy định.
- Bộ Giao thông vận tải căn cứ tình hình cụ thể trong thời gian qua, lập danh sách những nhà thầu không đảm bảo năng lực thi công và năng lực tài chính, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng giao thông để không cho tham gia đấu thầu các công trình xây dựng giao thông.
3. Về một số kiến nghị khác của các tỉnh:
a) Đề nghị của Tỉnh Bình Phước:
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước sớm đưa các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam.
b) Đề nghị của Tỉnh Gia Lai: