Thông báo 23/2021/TB-LPQT về hiệu lực Hiệp định về các hoạt động hợp tác Nam - Nam và ba bên giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na

Số hiệu 23/2021/TB-LPQT
Ngày ban hành 23/03/2012
Ngày có hiệu lực 17/06/2021
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Argentina,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Phạm Bình Minh,Héctor Timerman
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2021/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2021

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na về các hoạt động hợp tác Nam - Nam và ba bên, ký tại Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2012, có hiệu lực từ ngày 17 tháng 6 năm 2021.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP
VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA ÁC-HEN-TI-NA VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC NAM - NAM VÀ BA BÊN

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na, sau đây gọi là “các Bên”;

NHẬN THẤY RẰNG

Hợp tác Nam - Nam và Ba bên là một khả năng hợp tác sáng tạo theo đó, thông qua thúc đẩy đối thoại giữa các chủ thể của hợp tác quốc tế, tạo điều kiện bổ sung và tối ưu hóa các nguồn lực cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ được các Bên phát triển;

Nhờ sự phối hợp của các Bên, hợp tác Nam - Nam và Ba bên cho phép hình thành các đề xuất hợp tác rộng lớn hơn cả về thời gian và nguồn lực;

Các hoạt động hợp tác Nam - Nam và Ba bên cho phép bên thứ ba, nơi dự án chung được thực hiện, cải thiện năng lực để hình thành chiến lược phát triển riêng;

Các Bên mong muốn thiết lập một khuôn khổ nhận thức trên cơ sở cùng xác định và thực hiện các hoạt động hợp tác Nam - Nam và Ba bên ở nước thứ ba có yêu cầu sự hợp tác đó, căn cứ vào lợi thế so sánh của nước thứ ba và khả năng của nước đó chia sẻ kinh nghiệm với các Bên;

Điều này sẽ củng cố quan hệ giữa các Bên nói riêng và hợp tác Nam - Nam nói chung bằng cách phát triển các chương trình và dự án nhằm tối đa hóa hiệu quả, tác động và tính bền vững của các hoạt động được tiến hành;

Các kinh nghiệm đã được chứng minh của các Bên trong các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật sẽ tạo điều kiện cho các Bên phát triển các hoạt động hợp tác chung vững chắc với các nước thứ ba.

ĐÃ THỎA THUẬN

Điều 1

Mục đích

Mục đích của Hiệp định này là phối hợp các nỗ lực và chia sẻ kinh nghiệm và các thực tiễn tốt giữa các Bên, thúc đẩy trợ giúp chung về kỹ thuật ở các nước thứ ba thông qua các cơ chế có sẵn của mỗi Bên, trong khuôn khổ các cơ cấu hợp tác kỹ thuật của từng Bên.

Điều 2

Lựa chọn dự án

Các Bên sẽ cử các nhóm làm việc chung đến các nước có yêu cầu hợp tác nhằm cùng với các tổ chức của các nước thứ ba đó xác định các hoạt động và chuẩn bị các Văn kiện dự án mà Hiệp định này đề cập.

Văn kiện Dự án sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, kết quả, hoạt động, cơ chế quản lý, các chỉ số đo lường tác động dự kiến đạt được, cũng như kinh phí, sẽ được cùng chuẩn bị trên cơ sở cùng lập kế hoạch, với sự tham gia của nước có yêu cầu hoạt động hợp tác.

Văn kiện dự án sẽ được thông qua bằng việc ký kết của tất cả các Bên liên quan.

Tất cả các hoạt động được quy định trong các Dự án thuộc phạm vi của Hiệp định này sẽ phải chịu sự điều chỉnh của các quy định hiện hành của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na và ở nước thứ ba nơi hoạt động hợp tác được thực hiện.

[...]