Thông báo số 228/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về công tác chỉ đạo đối phó và khắc phục hậu quả lũ lụt do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 228/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 10/11/2007 |
Ngày có hiệu lực | 10/11/2007 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 228/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2007 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NGÃI VỀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐỐI PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ LỤT
Ngày 08 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra công tác phòng, chống lũ, bão và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại tỉnh Quảng Ngãi; thị sát tình hình lũ lụt tại một số địa phương của Tỉnh và thăm khu kinh tế Dung Quất.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo về tình hình thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra và công tác chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả; sơ bộ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 và định hướng kế hoạch năm 2008; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo về tiến độ thực hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Liên tục trong những ngày vừa qua tại tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 4 đợt mưa lũ lớn, kéo dài, diễn ra trên diện rộng gây ngập lụt ở nhiều địa phương của Tỉnh. Mưa lũ diễn biến nhanh, đột ngột đã làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự chủ động, cố gắng của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, tránh bão, lũ, chủ động sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, làm tốt việc quản lý, kêu gọi tàu thuyền tránh, trú bão và công tác cứu hộ, cứu trợ, giúp dân sớm ổn định đời sống, giữ vững an ninh trật tự vùng bị thiên tai, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ổn định đời sống nhân dân, tỉnh cần rút kinh nghiệm để sẵn sàng chủ động đối phó có hiệu quả hơn với cơn bão số 6 và diễn biến mưa lũ tiếp theo nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là thiệt hại về người.
Ngoài việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và hậu cần tại chỗ) cần bổ sung công tác tự quản tại chỗ (tự quản tại mỗi gia đình, thôn xóm, làng bản xã ấp, trường học...) để không được xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan, không quản lý tốt sau bão, lũ.
2. Đồng ý với các giải pháp và phương hướng chỉ đạo của Tỉnh về công tác chỉ đạo đối phó và khắc phục hậu quả do các đợt mưa lũ gây ra đã được nêu trong Báo cáo số 93/BC-UBND ngày 7 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Lưu ý, tỉnh Quảng Ngãi cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt một số việc sau đây:
- Tiếp tục bám sát dân, nắm chắc từng địa bàn thôn, xã về số hộ bị thiệt hại nặng, hộ nghèo, hộ chính sách để có giải pháp cứu trợ kịp thời, đúng đổi tượng, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị chia cắt do lũ; kiên quyết không để người dân nào bị đói, đứt bữa do thiếu lương thực; phân công lãnh đạo tỉnh, huyện chủ trì, phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang tiếp tục thực hiện tốt công tác cứu trợ, cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai và khắc phục hậu quả, đồng thời xử lý kịp thời các vấn đề mới nảy sinh.
Đặc biệt là phải đảm bảo đủ cơ số thuốc, chỉ đạo tích cực, chủ động công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân nhất là trong tình hình dịch tiêu chảy cấp đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc.
- Cùng với việc vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, khẩn trương chỉ đạo việc khôi phục, sửa chữa nhà ở, trường học, trạm xá; các công trình điện, thuỷ lợi, giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng cấp bách để sớm ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt việc phân phối tiền hàng cứu trợ, đảm bảo công khai, công bằng, không để tiêu cực, thất thoát. Giữ vững an ninh, trật tự và bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu vùng bị thiên tai.
- Không được chủ quan, lơ là tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống bão số 6 và diễn biến mưa lũ do ảnh hưởng của bão.
3. Về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh:
- Đồng ý với nội dung báo cáo số 94/BC-UBND ngày 7 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007, định hướng kế hoạch năm 2008.
Trong những năm qua, cùng với việc hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy truyền thống cách mạng nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 14%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.174.2 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 59 triệu USD; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước chuyển biến tích cực: tạo việc làm cho trên 33.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 28,44% xuống còn 25,22%; tỷ lệ dân cư thành thị dùng nước sạch đạt 100%, dân cư nông thôn là 49%.
Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn còn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước, là địa phương thường xuyên bị bão lũ, thiên tai.
- Để hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2007 và năm 2008 đã đề ra, tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau:
+ Rà soát lại kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ; tìm giải pháp tích cực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội; nâng cao đời sống nhân dân nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo;
+ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với việc tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển, phải chú trọng, có chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Tây của tỉnh; cùng với việc đầu tư giao thông đến các xã miền núi, cần đặc biệt quan tâm đến giải quyết việc làm, đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất lương thực tại chỗ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số gần các cơ chế chính sách về rừng để xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo bên vững.
4. Về tiến độ Nhà máy lọc dầu Dung Quất:
Đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đơn vị tư vấn, thi công đã tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Đây là Dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh Quảng Ngãi.
Yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban Quản lý dự án và các nhà thầu phải xiết chặt tiến độ công trình đi liền với đảm bảo chất lượng và an toàn công trình, không được để xảy ra sự cố; phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương chủ động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao để quản lý, vận hành nhà máy;
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư khu kinh tế Dung Quất; chỉ đạo Sở Công an và các cơ quan, lực lượng chức năng có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự tại khu kinh tê Dung Quất.
5. Về một số kiến nghị của Tỉnh:
- Về việc hỗ trợ bổ sung lương thực: Đồng ý, ngoài số lượng gạo Trung ương đã hỗ trợ, tỉnh tính toán, rà soát cụ thể, với phương châm không được để dân bị đói. Việc phân phối phải đúng đối tượng, không bình quân, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, khó khăn cần được cứu trợ, chú trọng các vùng sâu vùng xa đồng bào dân tộc thiểu số.