Thông báo 1656/TB-BYT năm 2022 về kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 1656/TB-BYT |
Ngày ban hành | 08/12/2022 |
Ngày có hiệu lực | 08/12/2022 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Vũ Thị Kim Anh |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1656/TB-BYT |
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2022 |
KẾT LUẬN HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH VÀ CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19
Chiều ngày 23/11/2022, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại trụ sở Cơ quan Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị do Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và Đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng sự tham dự của Lãnh đạo các Vụ/Cục, Trung tâm thuộc Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF). Về phía địa phương, có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện và các đơn vị liên quan.
Sau khi nghe các báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch 10 tháng năm 2022, kế hoạch cuối năm và báo cáo kết quả phối hợp triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục, những khó khăn, thách thức và kế hoạch phối hợp triển khai trong thời gian tới; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã thống nhất kết luận Hội nghị như sau:
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, trong thời gian qua số ca mắc mới, số ca nặng có xu hướng giảm liên tục. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc huy động các ban, ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền người dân tham gia tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục.
- Chỉ đạo Sở Y tế:
+ Cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo các tài liệu truyền thông để tăng cường công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là tiêm cho đối tượng trẻ em; mời các chuyên gia trong lĩnh vực y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để các gia đình, phụ huynh đưa trẻ di tiêm vắc xin phòng COVID-19.
+ Tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là sốt xuất huyết, cúm gia cầm, Whitmore; các địa phương giáp biên giới củng cố, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu.
- Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác phối hợp triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục theo Kế hoạch phối hợp số 1557/KH-BYT-BGDĐT ngày 17/11/2022 giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, cung cấp phổ biến đến người dân các tài liệu hỏi đáp về vắc xin COVID-19 do Viện Vệ sinh dịch tễ xây dựng và thông tin về tiêm vắc xin cho trẻ em theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
- Quan tâm, chỉ đạo bố trí kinh phí xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cuối năm 2022 và năm 2023 để triển khai hiệu quả công tác, phòng chống dịch.
- Đối với triển khai tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đề nghị các địa phương tất cả các tỉnh, thành phố chủ động lập kế hoạch tiếp nhận vắc xin Sởi và DPT do các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur cấp để triển khai kịp thời ngay khi có vắc xin.
Từ năm 2023, mua vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ thực hiện theo Luật ngân sách về phân cấp ngân sách và Công văn số 10095/BTC-HCSN ngày 04/10/2022 của Bộ Tài chính về rà soát các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2023.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục đào tạo.
3. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế
3.1. Cục Y tế dự phòng
- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác.
- Tiếp tục cập nhật các thông tin, khuyến cáo mới về tiêm vắc xin phòng COVID-19 để xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin năm 2023; Theo dõi, giám sát và đôn đốc địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm chủng để hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp chặt chẽ với Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục theo Kế hoạch phối hợp số 1557/KH-BYT-BGDĐT ngày 17/11/2022.
3.2. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; chỉ đạo các cơ sở điều trị tăng cường phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm và thông báo kịp thời cho các cơ sở dự phòng trên địa bàn để phối hợp sớm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
3.3. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur thực hiện phân loại các tỉnh, thành phố có độ bao phủ tiêm phòng COVID-19 dưới 80% và trên 80% để phân tích đánh giá tiến độ tiêm chủng COVID-19 theo nhóm, tập trung đẩy mạnh tiêm chủng ở nhóm dưới 80%, hàng tuần báo cáo cho Lãnh đạo Bộ, Cục Y tế dự phòng.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp ngành Y tế tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
5. Các tổ chức quốc tế tiếp tục phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong công tác tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.
Văn phòng Bộ trân trọng thông báo để các Đơn vị biết và thực hiện./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |