Thông báo 132/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 132/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 29/05/2021 |
Ngày có hiệu lực | 29/05/2021 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Trần Văn Sơn |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 132/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2021 |
Ngày 19 tháng 5 năm 2021 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; các Thứ trưởng và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghe Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Báo cáo, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần ổn định xã hội, ổn định tình hình đất nước, đặc biệt là trong những lúc kinh tế khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế. Đồng thời, nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2016-2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tích, kết quả nổi bật: Bộ đã đổi mới tư duy, bám sát diễn biến tình hình để chủ động tham mưu, chỉ đạo sản xuất; tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và huy động nguồn lực cho phát triển; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa; hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; chủ động thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020 toàn bộ 15/15 chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, năm 2020 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41,5 tỷ USD, xây dựng nông thôn mới đạt 62% về đích sớm trước 2 năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần so với đầu nhiệm kỳ. Những thành quả đạt được đó của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn góp phần làm cho diện mạo, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, tổ chức, cán bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm; tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành đã được triển khai thực hiện theo tinh thần các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó:
- Nông nghiệp phát triển chưa ổn định, bền vững, phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ, trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn; dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển mạnh nên vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, giải cứu nông sản.
- Sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ; quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu là tự phát, hiệu quả chưa thực sự ổn định; kết nối liên vùng còn rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics còn cao. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách chưa đi vào cuộc sống, chậm được sửa đổi, thiếu nguồn lực để thực hiện.
- Cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa phổ biến, năng suất lao động, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, thu nhập của người nông dân còn khoảng cách rất lớn so với khu vực đô thị, đời sống của phần lớn hộ nông dân còn khó khăn. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao, công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm các mặt hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp còn bất cập.
- Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực Tây Nguyên, miền Trung.
- Tư duy, phong cách, lề lối làm việc, tổ chức công việc, nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa chuyển đổi nhiều và chưa tương xứng với tình hình chuyển đổi của đất nước, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp còn manh mún, chia cắt, khả năng liên kết vùng chưa cao, kết nối tổng thể, liên thông, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
- Tổ chức, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc; việc thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công hiệu quả thấp, cần phải khắc phục sớm; đầu mối quản lý nhà nước, các viện, đơn vị sự nghiệp công còn nhiều.
II. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Thống nhất các mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 được nêu tại báo cáo của Bộ: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5-3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu từ 48-50 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 42%, nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên đất nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
2. Quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp:
- Ba trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực. Hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho người nông dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, xã hội và thị trường. Nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải tiếp tục góp phần ổn định chính trị, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, khởi tạo chuyển đổi số, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra, quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu đi đối với chú trọng phát triển thị trường nội địa.
- Phát huy tinh thần tự lực tự cường, chọn lọc kế thừa, nhưng phải đổi mới sáng tạo để phát triển, không trông chờ ỷ lại, phải chủ động tiến công, linh hoạt sáng tạo để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá cho phát triển.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đối với đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Bộ cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, xây dựng các công cụ quản lý, kiến tra, giám sát việc thực hiện.
- Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển ngành thông qua hợp tác công tư (nghiên cứu các mô hình lãnh đạo công, quản trị tư, đầu tư tư, sử dụng công và đầu tư công, quản lý tư) trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa hợp lý lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực cho ba đột phá chiến lược, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, làm đến đâu dứt điểm đến đó để mang lại hiệu quả.
- Khai thác, sử dụng, quản lý đúng quy định nhưng thực hiện phải linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng hiệu quả khai thác trên đất.
3. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Thống nhất với các nhiệm vụ được đề cập tại báo cáo của Bộ, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy thành tích, khắc phục hạn chế để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Đề nghị thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
- Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của ngành nông nghiệp và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Quán triệt, tổ chức triển khai các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 45/NQ-CP của Chính phủ.
- Tập trung rà soát hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ đi đối với tăng cường kiểm tra, giám sát, nguyên tắc là việc gì doanh nghiệp, người dân làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp, người dân làm, việc gì địa phương làm được và làm tốt hơn thì để địa phương làm, Bộ tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu và thúc đẩy sản xuất lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
- Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổng kết, sơ kết để xây dựng lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bám sát thực tiễn, nhu cầu thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, cách làm hay để góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.