Thông báo 133/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc và các vấn đề tồn đọng, cấp bách cần tập trung chỉ đạo của Bộ Công Thương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 133/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/05/2021
Ngày có hiệu lực 29/05/2021
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG VIỆC VÀ CÁC VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG, CẤP BÁCH CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Ngày 22 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình, kết quả công việc và các vấn đề tồn đọng, cấp bách cần tập trung chỉ đạo của Bộ Công Thương. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, phát biểu một số đại biểu tham dự cuộc họp và ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ

Quý I vừa qua, bên cạnh việc tập trung chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nghỉ tết âm lịch, cùng với việc chuẩn bị kỷ niệm 70 ngày truyền thống ngành Công Thương, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng với sự tập trung chỉ đạo, điều hành tốt, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại đều có sự tăng trưởng, cơ bản theo kịch bản đề ra. Bộ Công Thương cần tiếp tục phát huy những kết quả đặt được, nghiên cứu, đổi mới tư duy, cách làm, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng những ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay.

2. Nhiệm vụ thời gian tới

Phát huy khí thế thời gian qua, Bộ Công Thương cần quan tâm các mặt công tác, đặc biệt chú trọng yếu tố con người để tập trung nguồn lực vào công tác hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực, xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển, gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước. Trong đó cần lưu ý một số vấn đề:

- Coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị cán bộ, bảo đảm trong sạch, vững mạnh, phát huy và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tích cực phòng ngừa, tránh để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm, sai phạm như thời gian qua, đặc biệt là phải nghiên cứu ban hành cơ chế chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí.

- Rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn hơn nữa theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chủ yếu vào vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng thể chế và cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh, hoàn thiện tác phong, lề lối làm việc, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và bản thân từng đồng chí lãnh đạo Bộ và các cấp phải là tấm gương để cán bộ, công chức trong ngành noi theo, chức vụ công tác càng cao thì càng phải nêu gương; tăng cường bám sát thực tiễn, phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy kết quả công tác và sản phẩm cụ thể làm thước đo để điều chỉnh hành động cho phù hợp.

- Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2021 về triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ có liên quan khác.

3. Vấn đề cấp bách cần tập trung chỉ đạo

a) Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tập trung chỉ đạo, rà soát kỹ nội dung Quy hoạch điện VIII, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết, đặc biệt chú ý đến chống tiêu cực trong xây dựng chính sách, ai vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong đó, cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.

b) Bộ Công Thương:

- Đánh giá kỹ kết quả thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị đối với lô dầu khí: 135&136/03, 07/03, 06.1, trên cơ sở đó đề xuất cụ thể, báo cáo Thường trực Chính phủ.

- Cần tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống hạ tầng thương mại nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.

- Cần rà soát hệ thống văn bản để ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi đầy đủ các cam kết theo các Hiệp định FTA đã ký; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai tốt, nắm bắt các cơ hội từ các Hiệp định FTA đã ký.

- Cần rà soát các nhiệm vụ tồn đọng, nhất là những việc tồn đọng kéo dài, lựa chọn một số công việc trọng điểm cần tháo gỡ và có hiệu quả ngay, để tập trung nguồn lực xử lý, tránh dàn trải.

- Cần quan tâm và chỉ đạo làm tốt hơn công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; chủ động cung cấp thông tin hoạt động của ngành, khách quan, trung thực; chú ý cho sơ kết, tổng kết những mô hình hay, cách làm có hiệu quả để tuyên truyền nhân rộng; tránh để xảy ra việc đưa thông tin không chính xác tác động đến hoạt động, uy tín của ngành, đặc biệt không để xảy ra khủng hoảng về truyền thông.

4. Về các kiến nghị của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương rà soát kỹ lại theo tinh thần những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó.

Bộ Công Thương tiếp tục chuẩn bị kỹ các nội dung quan trọng cấp bách, phối hợp với Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các cơ quan có liên quan những vấn đề chưa có sự thống nhất, xin ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách. Trường hợp các Phó Thủ tướng chưa xử lý được thì đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trì làm việc với các bộ, cơ quan có liên quan để bảo đảm các vấn đề được giải quyết dứt điểm, hiệu quả.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Bộ Công Thương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg;
các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, NN, KGVX, NC;
Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, CN (2). Tm

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Trần Văn Sơn

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ