Thông báo số 111/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 111/TB-VPCP
Ngày ban hành 16/05/2007
Ngày có hiệu lực 16/05/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Quốc Toản
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 111/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2007

 

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 26 tháng 4 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn công tác của Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai xây dựng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:

1. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục-đào tạo, trong đó đào tạo đại học là lĩnh vực có vai trò rất quyết định đối với đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Chính phủ đã có Nghị quyết quan trọng về đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục Đại học. Việc quyết định xây dựng hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là một chủ trương đúng đắn nằm trong định hướng chiến lược này.

Sau hơn 10 năm thành lập, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. 

Tập thể lãnh đạo Đại học Quốc gia đã tập trung chỉ đạo xây dựng và từng bước phát triển Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định mô hình tổ chức đại học mới là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của đất nước và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhu cầu phát triển đã thành lập thêm một số trường đại học thành viên, mở rộng thêm ngành nghề đào tạo mới; tích cực hoàn thiện cơ chế quản lý, thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế..., phấn đấu rút ngắn tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy mô, chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học có bước phát triển mạnh hơn; có thêm các chương trình đào tạo mới có chất lượng và đang triển khai có hiệu quả phương thức đào tạo tiên tiến theo tín chỉ.

Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, được ứng dụng vào thực tiễn. Sự hợp tác với các cơ sở đào tạo, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lớn ở trong nước và quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nhà trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những hạn chế: tốc độ xây dựng và phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo được sự bứt phá, vượt trội rõ rệt về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhất là ở các trường, khoa mới thành lập; chưa trở thành một trung tâm mạnh về nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; chưa tập trung mạnh cho việc quản lý, nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo, nhất là các chương trình đào tạo không chính quy, tại chức, từ xa; chưa phát huy thật tốt tiềm năng, lợi thế cơ chế tự chủ của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hàng đầu của đất nước.

2. Những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện:

a) Với sự chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và đào tạo, Đại học Quốc gia cần chủ động có chương trình, kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các trường đại học khác triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

Cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để thực sự trở thành cơ sở giáo dục Đại học trọng điểm hàng đầu trong các trường đại học trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Việc xây dựng hai Đại học Quốc gia trở thành hai trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học tiên tiến, chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực, vươn tới đẳng cấp quốc tế, đi đầu và phát huy mạnh mẽ vai trò cho cả hệ thống đại học là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

b) Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ phải trở thành trung tâm hàng đầu đào tạo, nghiên cứu khoa học-công nghệ và ứng dụng chất lượng cao để xác định rõ các mục tiêu, cơ cấu, lĩnh vực đào tạo, ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo cho hợp lý, đặt trong tương quan với các trường đại học trong vùng và cả nước; xây dựng phương hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển theo hướng chủ động, tích cực nhất. Phải gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học với ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Hình thành được những cơ sở đào tạo, nghiên cứu mũi nhọn, điển hình, dẫn đầu trong hệ thống giáo dục đại học;

Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, giải pháp cần thiết bảo đảm tính khả thi, hiệu quả để đẩy mạnh tốc độ phát triển trong giai đoạn tới.

c) Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đây là yêu cầu số một. Thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ cao. Sinh viên tốt nghiệp Đại học Quốc gia phải đạt được trình độ đào tạo tương đương với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và quốc tế; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học-công nghệ, hợp tác quốc tế cũng phải chú trọng chất lượng.

Cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý (cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ) theo yêu cầu chuẩn hóa. Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, bảo đảm các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống cho cán bộ, giảng viên.

Cần chú trọng đầy đủ hơn đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lối sống cho sinh viên, phòng chống các tệ nạn xã hội, tiêu cực trong sinh viên; thực hiện tốt các chính sách đối với sinh viên, nhất là các sinh viên thuộc diện chính sách.

d) Tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn hóa các điều kiện phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Trước hết tập trung giải phóng mặt bằng xong dứt điểm trong năm 2007: các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, các hộ dân cư thuộc diện phải di dời phải xử lý dứt điểm; các doanh nghiệp, đơn vị không di dời được thì quyết định giải thể, thực hiện các chính sách theo quy định; giao cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương là chủ đầu tư và thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư trong phần quản lý của mình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ này.

Để phấn đấu hoàn thành sớm Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần xác định rõ các dự án thành phần, quy mô và cơ cấu vốn huy động từ nhiều nguồn: vốn ngân sách, vốn ODA, vốn huy động xã hội hóa, vốn của Trường... cho từng hạng mục, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để bố trí vốn theo tiến độ xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

đ) Lãnh đạo và Đảng ủy Đại học Quốc gia cần thường xuyên quan tâm xây dựng khối đoàn kết thống nhất, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, Hội sinh viên vững mạnh có sự gắn bó chặt chẽ với các địa phương, nhất là các địa phương trong khu vực, nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm lực, vị trí, vai trò của nhà trường đối với xã hội.

3. Về các đề nghị của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:

Về nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/CP ngày 27 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia theo Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ động nghiên cứu, đề xuất. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng cường phân cấp cho các Đại học Quốc gia, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về cơ chế hoạt động của Khu công nghệ phần mềm (cũng như các viện, trung tâm nghiên cúu...) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: thực hiện theo quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Đồng ý Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng đề án thí điểm việc thu và sử dụng học phí mới, trình Thủ tướng Chính phủ.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội là hai cơ sở giáo dục đại học có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các Đại học Quốc gia phát triển mạnh trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan biết, thực hiện.

 

[...]