Thông báo 04/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022 và các giải pháp triển khai thực hiện do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 04/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/01/2022
Ngày có hiệu lực 06/01/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ VĂN THÀNH TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT NĂM 2021, KẾ HOẠCH VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT NĂM 2022 VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Ngày 23 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022 và giải pháp triển khai thực hiện. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo, đại diện các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, cơ quan tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận như sau:

1. Ngành đường sắt Việt Nam có truyền thống lịch sử vẻ vang, lâu đời, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tổ chức Đảng và đội ngũ công nhân đường sắt; đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay ngành đường sắt đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia còn nhiều hạn chế, nhiều năm qua chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, nguồn vốn đầu tư hàng năm chiếm tỷ trọng thấp so với toàn ngành giao thông vận tải, thị phần vận tải đường sắt ngày càng sụt giảm trong khi vận tải đường bộ, hàng không ngày càng phát triển; tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, lan rộng trên cả nước đã ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt, vận tải hành khách bằng đường sắt và tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp còn thấp so với các ngành khác.

Đứng trước những khó khăn đó, Chính phủ đánh giá cao các nỗ lực phấn đấu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành khá tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021; một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt được bảo đảm.

2. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn nữa, nhất là tư duy người đứng đầu; có các giải pháp, cách nghĩ, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới. Khắc phục những tồn tại (tổ chức bộ máy cồng kềnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, cơ giới hóa, công nghệ thông tin còn hạn chế...). Chủ động, mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá; biến nguy thành cơ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển trong tình hình mới; linh hoạt chuyển đổi, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nhằm phát huy tối đa lợi thế vận tải hàng hóa bằng đường sắt để kịp thời hỗ trợ cho các phương thức vận tải khác. Tập trung hơn nữa cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú ý công tác duy tu, bảo trì và cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới; đầu tư phải dứt điểm, không để kéo dài. Có cơ chế huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư, sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt.

3. Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan cần quan tâm, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, duy tu, bảo trì đường sắt, đầu tư mới đường sắt; nguồn lực đầu tư công dẫn dắt cho phát triển đường sắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển.

4. Về các kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, yêu cầu:

- Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dứt điểm 04 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 7.000 tỷ đồng vốn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Rà soát kế hoạch trung hạn 2021 - 2025; ưu tiên bố trí vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt quốc gia theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các dự án đang thực hiện dở dang để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

- Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo tại văn bản số 8080/VPCP-CN ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, xem xét, xử lý các kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đường sắt đi qua khẩn trương triển khai, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo đúng Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với các kiến nghị về hỗ trợ đầu tư, ưu đãi tín dụng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải rà soát, xem xét bố trí trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, khắc phục các điểm nghẽn trong vận tải đường sắt, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư:

Trên cơ sở kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 636/TTg-CN ngày 19 tháng 5 năm 2021, để tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tiếp tục thực hiện theo văn bản số 636/TTg-CN đến khi Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, đúng quy định pháp luật.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: GTVT, KHĐT, TC, CT, TNMT, TP;
- Ngân hàng NN VN;
- UB QLVNN tại doanh nghiệp;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- TCty Đường sắt VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, ĐMDN, PL, TH;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục