Quyết định 1197/QĐ-TCT năm 2005 về quy chế tổ chức thực hiện điều động, luân chuyển và luân phiên công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thuế do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 1197/QĐ-TCT
Ngày ban hành 04/11/2005
Ngày có hiệu lực 04/11/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Nguyễn Văn Ninh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1197/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2005

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Nghị quyết số 11 NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị; Công văn số 06 HD/TCTW ngày 02/04/2002 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thưc hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý;

Căn cứ Quyết định số 218/2003/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 2981 QĐ/BTC ngày 15 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp Bộ Tài chính;

Căn cứ Chỉ thị số 32 TC/BCS ngày 3/9/2002 của Ban cán sự Đảng - Bộ Tài chính; Kế hoạch số 9547 TC/TCCB ngày 3/9/2002 của Bộ Tài chính về việc thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý;

Xét đề nghị của Trưởng ban, Ban Tổ chức cán bộ - Tổng cục Thuế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức thực hiện điều động, luân chuyển và luân phiên công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thuế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế và cán bộ, công chức cơ quan thuế các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2,
- Lãnh đạo Tổng cục (báo cáo),
- Vụ TCCB – BTC (phối hợp),
- Các ban, đơn vị thuộc&trực thuộc TCT,
- Đại diện TCT tại TP. HCM,
- Lưu VP(HC), TCCB (2b)

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ninh

 

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

Điều động cán bộ là việc Thủ trưởng cơ quan thuế có thẩm quyền quyết định điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức từ một vị trí công tác này sang vị trí công tác khác; từ địa phương này sang địa phương khác; từ ngành này sang ngành khác theo nhu cầu công tác và được thực hiện dưới các hình thức sau:

1. Điều động dưới hình thức luân chuyển (sau đây gọi tắt là điều động luân chuyển) là việc bố trí cán bộ, công chức thuộc diện quy hoạch phát triển phải trải qua các vị trí công tác khác nhau trong cùng một cấp hoặc giữa các cấp khác nhau nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được rèn luyện thử thách ở nhiều công việc, nhiều khâu quản lý trước khi được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo mới, chức vụ lãnh đạo cao hơn.

2. Điều động dưới hình thức luân phiên (sau đây gọi tắt là luận phiên công việc) là việc phân công lại nhiệm vụ của cán bộ công chức trong một đơn vị, một bộ phận của cơ quan thuế để tạo cho cán bộ, công chức, viên chức thích ứng với nhiều loại công việc, nhiều đối tượng quản lý theo kế hoạch thường xuyên hàng năm chậm nhất là 3 năm một lần đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nộp thuế, cán bộ lãnh đạo cơ quan thuế các cấp.

3. Điều động biệt phái là việc điều chuyển cán bộ, công chức đến làm việc có thời hạn ở một cơ quan, tổ chức khác theo yêu cầu nhiệm vụ, công vụ.

Cán bộ, công chức được điều động biệt phái chịu sự phân công công tác của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến. Cơ quan, tổ chức điều động biệt phái cán bộ, công chức có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của cán bộ, công chức được biệt phái.

4. Điều động cán bộ, công chức là việc điều chuyển cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ, công vụ, căn cứ vào tình hình thực tế tại từng địa phương, đơn vị; do yêu cầu cấp thiết về công tác cán bộ trong các trường hợp như: cán bộ lãnh đạo cũ được luân chuyển đi nơi khác; đang bị bệnh phải nghỉ việc để chữa trị dài ngày hoặc đang bị đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật, điều tra, truy tố do vi phạm pháp luật; tình hình nội bộ mất đoàn kết nếu để lại thì gây ảnh hưởng xấu cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cần thiết phải điều động đi nơi khác và điều động cán bộ từ nơi khác về…

Điều 2. Mục đích, ý nghĩa:

1. Điều động, luân chuyển, luân phiên công việc của cán bộ, công chức, viên chức là biện pháp quan trọng để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện để tiếp cận và thông thạo nhiều lĩnh vực công việc ở nhiều vị trí khác nhau, có năng lực thực tiễn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

2. Khắc phục tình trạng công chức do giữ cương vị lãnh đạo hoặc quản lý một công việc ở một đơn vị quá lâu dẫn đến thoả mãn, bảo thủ, trì trệ, thiếu sự chủ động, sáng tạo và đổi mới để nâng cao chất lượng công việc.

3. Để kiểm soát công việc lẫn nhau, người làm việc sau kiểm tra công việc của người trước đó, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực và tăng cường ý thức kỷ luật công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế.

Điều 3. Nguyên tắc luân chuyển cán bộ và luân phiên công việc của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế:

1. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

2. Luân chuyển cán bộ, luân phiên công việc là chế độ bắt buộc đối với mỗi cán bộ, công chức ngành Thuế thuộc đối tượng luân chuyển, luân phiên công việc được quy định tại Điều 4 và Điều 7 của quy chế này.

3. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ và luân phiên công việc phải được thực hiện công tâm, khách quan, khoa học và hợp lý, chống biểu hiện bè phái hoặc xuất phát từ ý đồ cá nhân để loại trừ, đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực nhưng không hợp với mình đi nơi khác, đồng thời tránh tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm của cán bộ, công chức, kể cả công chức lãnh đạo.

[...]