Quyết định 98/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng -Quảng Ninh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 98/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/07/2008
Ngày có hiệu lực 09/08/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------

Số: 98/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HÀNH LANG KINH TẾ LẠNG SƠN – HÀ NỘI – HẢI PHÒNG – QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 07 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng -Quảng Ninh đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Về nguyên tắc, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo hợp tác phát triển Hành lang Kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh

a) Hợp tác phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc chủ yếu như sau:

- Đảo bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sự hợp tác và quan hệ của mỗi nước với nước thứ ba. Đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương của mỗi nước. Hai bên cùng tìm cách phát triển trên cơ sở điều kiện đặc thù và trình độ phát triển của mỗi nước; đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội – an ninh – môi trường phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Đối với từng vấn đề hợp tác, hai bên cùng lấy hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển và cùng đứng trên góc độ toàn cục của quan hệ kinh tế thương mại hai nước để tiến hành các cuộc đối thoại nhằm cùng nhau xây dựng môi trường hợp tác lành mạnh;

- Quá trình hợp tác tiến hành từng bước vững chắc, vấn đề nào cần thiết, chín muồi, có hiệu quả thiết thực sẽ làm trước, sau đó mở rộng dần ra các lĩnh vực khác; tiến hành trong khuôn khổ chung, có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Các vấn đề hợp tác trong Đề án được tính toán, tiến hành trong khuôn khổ các hợp tác tổng thể chung giữa hai nước; các ngành, các tỉnh hữu quan của hai nước căn cứ vào đặc thù của mình mà đề ra các vấn đề hợp tác một cách có thứ tự, trong khuôn khổ sự bố trí chung của Chính phủ hai nước. Tiến hành hợp tác qua nhiều kênh (Chính phủ, doanh nghiệp và tư nhân); đảm bảo vấn đề nào dễ và cấp bách thì tiến hành hợp tác trước, tiến dần từng bước từ các điểm phát triển thành tuyến và từ các tuyến đến diện;

- Đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của mỗi nước. Vùng biên giới hai nước là khu vực sinh sống của các dân tộc ít người, nơi còn rất nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội. Hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế” sẽ góp phần cải thiện mức sống người dân, tăng thêm thu nhập, nâng cao mức hưởng thụ các dịch vụ y tế và giáo dục, góp phần giảm thiểu tội phạm và tệ nạn xã hội như buôn người qua biên giới, buôn bán ma túy.

b) Quan điểm và tư tưởng chỉ đạo hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh:

- Hợp tác phát triển Hành lang kinh tế được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại hai nước Trung – Việt và trong cơ chế hợp tác khu vực ASEAN +1, ASEAN + 3, GMS và khuôn khổ WTO, là sự hợp tác loại hình mở cửa. Hai bên cùng tuân thủ quy tắc của khuôn khổ hợp tác tổng thể hai nước và cơ chế hợp tác song phương, đa phương để xây dựng chiến lược phát triển và hợp tác phát triển kinh tế lâu dài, ổn định;

- Đi đầu trong chương trình phát triển hai hành lang, một vành đai và tính tới phát triển toàn tuyến đi châu Âu và đi các nước khác trong khu vực ASEAN;

- Hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững phải được coi trọng ngay từ đầu. Tăng cường mối liên kết kinh tế trong nội bộ Vùng, đồng thời thúc đẩy giao lưu giữa các địa phương trong tuyến hành lang với xung quanh trong quá trình phát triển của mỗi nước, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả trên từng ngành, từng tỉnh của khu vực;

- Tiến hành từng bước dễ làm trước, khó làm sau. Giai đoạn đầu tập trung vào các lĩnh vực như: thương mại và đầu tư, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, du lịch, xây dựng cơ bản, khai thác nguồn tài nguyên. Giai đoạn sau, mở rộng dần ra các lĩnh vực khác.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu phát triển Hành lang Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

a) Mục tiêu tổng quát: xây dựng tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, môi trường đầu tư cạnh tranh, thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại và hợp tác phát triển giữa các tỉnh khu vực biên giới hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên và doanh nghiệp nước thứ ba triển khai hợp tác, để Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành điểm tăng trưởng mới của hợp tác kinh tế thương mại hai nước và phát huy vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc – Asean và là bộ phận quan trọng của toàn tuyến Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

b) Mục tiêu cụ thể phát triển và hợp tác của tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh:

- Đưa mức tăng trưởng GDP toàn tuyến lên gấp 1,2 – 1,4 lần mức trung bình cả nước;

- Nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua tuyến Hành lang kinh tế đạt bình quân trên 20%/năm, đến năm 2010 đạt khoảng 2 tỷ USD và năm 2015 đạt 4,5 – 5 tỷ USD và năm 2020 đạt trên 10 tỷ USD;

- Hoàn thành tuyến trục chính và khung pháp lý cho các hoạt động kinh tế giữa hai nước trên tuyến hành lang này;

Đến năm 2015, hai bên sẽ phối hợp với kế hoạch giảm thuế của Khu thương mại tự do Trung Quốc – Asean. Trước hết triển khai hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, chế biến tài nguyên, sản xuất điện, xây dựng cửa khẩu, thuận lợi hóa đầu tư thương mại, ưu tiên thực hiện những dự án có điều kiện chín muồi, lôi kéo các lĩnh vực khác cùng phát triển;

Hoàn thành đường cao tốc Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh 6 làn đường để thông tuyến với đường cao tốc Nam Định – Bằng Tường. Hai bên nghiên cứu xem xét sớm khởi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Nam Ninh – Bằng Tường – Lạng Sơn – Hà Nội theo tiêu chuẩn quốc tế khổ 1435 mm;

Xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường và một số trung tâm thương mại, du lịch trên tuyến hành lang và khu kho vận tại Bắc Giang.

Sau năm 2015, hợp tác hành lang kinh tế sẽ được triển khai toàn diện, hợp tác hai bên trong các lĩnh vực từng bước đi vào nề nếp, xây dựng cơ chế hợp tác đa phương đa dạng. Đồng thời, sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp của các nước khác trong Asean tham gia hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc – Asean.

3. Phương hướng phát triển và hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

a) Phương hướng phát triển thương mại và hợp tác phát triển thương mại

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ