Quyết định 98/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 98/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/07/2007
Ngày có hiệu lực 08/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 98/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO TÍNH CHUYỂN ĐỔI CỦA ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM, KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐÔ LA HOÁ TRONG NỀN KINH TẾ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Mục III, phần B.6 Nghị quyết số 01/2005/NQ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2005;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại tờ trình số 50/TTr-NHNN ngày 14 tháng 5 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Đề án để thực hiện nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện theo định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết tình hình thực hiện vào cuối năm 2008 và tổng kết việc thực hiện Đề án vào năm 2010.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 
Nơi nhận: 
-Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

THỦ TƯỚNG
 
 
 
 
Nguyễn Tấn Dũng

 

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO TÍNH CHUYỂN ĐỔI CỦA ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM, KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐÔ LA HOÁ TRONG NỀN KINH TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 98/2007/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ )

Phần 1:

TỔNG QUAN VỀ TÍNH CHUYỂN ĐỔI CỦA ĐỒNG TIỀN VÀ HIỆN TƯỢNG ĐÔ LA HOÁ

I. TÍNH CHUYỂN ĐỔI CỦA ĐỒNG TIỀN

1. Tính chuyển đổi của đồng tiền

Quá trình phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hoá dẫn đến sự ra đời của tiền tệ. Khi hàng hoá được trao đổi ở phạm vi quốc tế thì xuất hiện nhu cầu trao đổi các đồng tiền với nhau. Tiền tệ có ba chức năng là: dự trữ giá trị, phương tiện thanh toán và đơn vị tính toán. Trên thị trường quốc tế, các đồng tiền được trao đổi, mua bán với nhau tuỳ theo nhu cầu phát sinh từ mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Đồng tiền có tính chuyển đổi cao được thị trường quốc tế sử dụng cả ba chức năng. Người ta sử dụng làm phương tiện thanh toán theo tập quán quốc tế những đồng tiền mạnh có tính lịch sử do uy tín, vị thế của nền kinh tế. Các đồng tiền đó cũng được sử dụng như các tài sản tài chính và là đơn vị tính toán trên thị trường quốc tế. Như vậy, đồng tiền có tính chuyển đổi cao có đặc điểm là được chấp nhận một cách rộng rãi trong các giao dịch về thanh toán và tiền tệ ở trong nước và quốc tế. Đặc điểm này mang yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, đó là đồng tiền mạnh, có uy tín, được thị trường tin tưởng chấp nhận. Về chủ quan, đó là ý chí của Nhà nước, thông qua quy định về quản lý ngoại hối cho phép dùng đồng nội tệ mua ngoại tệ trong các giao dịch được phép, hoặc được mang ra và chuyển đổi ở thị trường quốc tế.

2. Đánh giá tính chuyển đổi của đồng tiền

Tính chuyển đổi của đồng tiền được đánh giá qua tính chuyển đổi trong nước và tính chuyển đổi quốc tế. Tính chuyển đổi trong nước của đồng tiền thể hiện qua việc được ưa thích sử dụng và dễ dàng mua được ngoại tệ với mức giá thị trường. Điều này một mặt phụ thuộc sự ổn định về giá trị và sự thuận tiện khi sử dụng của đồng tiền, mặt khác phụ thuộc vào việc được phép chuyển đổi ra ngoại tệ trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và khả năng đáp ứng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng. Tính chuyển đổi quốc tế của đồng tiền thể hiện ở mức độ phổ biến được sử dụng làm phương tiện trong các giao dịch thương mại, tài chính quốc tế. Tính chuyển đổi quốc tế là cấp độ cao, chỉ có một số ít đồng tiền mạnh như Đô la Mỹ, Bảng Anh, EURO... đạt được (còn gọi là các đồng tiền tự do chuyển đổi). Đa số các đồng tiền còn lại có tính chuyển đổi thấp hơn, ở mức độ chuyển đổi trong nước.

Vì thế, đánh giá tính chuyển đổi của đồng tiền của các nước đang phát triển chủ yếu dựa vào việc đánh giá tính chuyển đổi trong nước. Với các nước này, uy tín, vị thế của đồng nội tệ có thể đánh giá qua chỉ số lạm phát, mức độ đô la hóa nền kinh tế, sự phát triển của các thị trường tài chính, trình độ của hệ thống ngân hàng, mức độ thông thoáng của chính sách quản lý ngoại hối và sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái. Với vai trò là các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ đồng bản tệ và cán cân thanh toán quốc tế, chính sách quản lý ngoại hối càng nới lỏng, mức độ tự do hoá đối với giao dịch vãng lai, giao dịch vốn càng cao, khả năng đáp ứng ngoại tệ càng lớn thì chứng tỏ đồng bản tệ càng mạnh và do đó tính chuyển đổi của đồng tiền càng cao.

3. Ý nghĩa của việc nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền

Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, việc nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế. Với xu hướng tự do hoá thương mại và đầu tư, đồng tiền có tính chuyển đổi cao sẽ liên kết kinh tế trong nước với quốc tế, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tạo vị thế cho quốc gia trên thị trường quốc tế. Đồng tiền có tính chuyển đổi cao cũng sẽ làm giảm hiện tượng đô la hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá.

4. Các yếu tố nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền

Các phân tích ở trên cho thấy các yếu tố để nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền bao gồm:

- Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ. Đây là yếu tố cơ bản, là điều kiện khách quan tạo sức mạnh và niềm tin lâu dài vào đồng nội tệ.

[...]