Quyết định 943/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Gia Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 943/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/07/2017
Ngày có hiệu lực 07/07/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Tiến Nhường
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 943/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 07 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ GIA BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

Căn cứ Thông báo kết luận số 75-KL/TU ngày 07/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Gia Bình, huyện Gia Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Các Quyết định của UBND tỉnh số: 191/QĐ-UBND ngày 04/6/2015 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ QHC Gia Bình; 393/QĐ-UBND ngày 04/7/2016 về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Gia Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Báo cáo thẩm định số 123/BCTĐ-SXD ngày 30/6/2017 của Sở Xây dựng về việc thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Gia Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Gia Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Sự cần thiết lập điều chỉnh Quy hoạch

Theo QHV tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt, xác định mục tiêu tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020, trong đó xác định đô thị Gia Bình là đô thị loại V, sau năm 2030 nâng cấp lên đô thị loại IV, một thị trấn trung tâm các huyện Gia Bình, đồng thời là một trong 06 đô thị phía nam sông Đuống của thành phố Trực thuộc Trung ương.

Sau khi được tái thành lập năm 1999, huyện Gia Bình nói chung và thị trấn Gia Bình nói riêng có những bước phát triển kinh tế - xã hội mạnh với hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi như QL 17, ĐT 285 tạo điều kiện giao thương với các vùng trong và ngoài tỉnh. Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, thị trấn Gia Bình đã cơ bản hình thành các khu trung tâm như: Trung tâm hành chính - chính trị; trung tâm văn hóa; trung tâm thể dục, thể thao; cây xanh công viên; hệ thống các công trình dịch vụ thương mại...Tuy nhiên, chưa phát huy được hiệu quả cao do đầu tư chưa tập trung, chưa phù hợp với định hướng QHV tỉnh được phê duyệt.

QHC được duyệt có nhiều bất cập: Quy mô diện tích và quy mô dân số quá lớn so với QHV tỉnh và Chương trình PTĐT được duyệt, mô hình phát triển vẫn coi QL17 (trục đường đổi ngoại) là trục trung tâm, các chức năng mới đều tập trung trên trục QL17, hạ tầng kỹ thuật khung gần như chưa triển khai theo quy hoạch được duyệt dẫn đến lãng phí đất đai và ảnh hưởng tới định hướng phát triển của thị trấn Gia Bình nói riêng và huyện Gia Bình nói chung.

Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu điều chỉnh tổng thể QHC Gia Bình là cần thiết nhằm cụ thể hóa mục tiêu mà đồ án QHV tỉnh và Chương trình PTĐT, đồng thời làm cơ sở trong việc quản lý quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, lập kế hoạch quản lý sử dụng đất đai và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội huyện Gia Bình, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

2. Phạm vi nghiên cứu, ranh giới, quy mô quy hoạch

a) Phạm vi, ranh giới: Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị trấn Gia Bình và xã Đông Cứu và có ranh giới như sau: Phía đông giáp xã Xuân Lai; phía tây giáp xã Đại Bái; phía nam giáp xã Quỳnh Phú; phía bắc giáp xã Lãng Ngâm.

b) Quy mô quy hoạch:

- Quy mô diện tích: Giảm từ 2.558 ha xuống khoảng 1.015,44 ha (bao gồm thị trấn Gia Bình và xã Đông Cứu).

- Quy mô dân số:

+ Năm 2016 (hiện trạng): Khoảng 17.356 người.

+ Dự báo: Năm 2030 khoảng 24.703 người; năm 2050 khoảng 32.000 người.

3. Mục tiêu, tính chất quy hoạch

a) Mục tiêu

- Cụ thể hóa QHV tỉnh được duyệt và Chương trình PTĐT toàn tỉnh.

- Xây dựng, phát triển đô thị bền vững, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có môi trường sống hài hòa, bền vững.

- Xây dựng Đô thị Gia Bình đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại V, tiến tới nâng cấp lên đô thị loại IV với tiêu chí phát triển bền vững, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống bền vững đáp ứng các nhu cầu của người dân; đảm bảo phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn;

[...]