THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
93/2003/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 93/2003/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 5
NĂM 2003 BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG PHÒNG CHÁY, CHỮA
CHÁY RỪNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 12 tháng 7 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng
Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ
trình số 299/BNN-KL ngày 14 tháng 02 năm 2003.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương
phòng cháy, chữa cháy rừng.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Điều 3.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành
viên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 93/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2003 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo)
được thành lập theo Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2002 của Thủ
tướng Chính phủ là tổ chức tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác
phòng cháy, chữa cháy rừng trong toàn quốc.
Điều 2.
Bản Quy chế này quy định tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, các thành viên
Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo.
Điều 3.
Nhiệm vụ:
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu
giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chiến lược phòng cháy, chữa cháy rừng, giải
quyết các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Chỉ đạo các ngành, các địa
phương kiểm tra các chủ rừng thực hiện việc lập và thực thi các phương án, dự
án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Báo cáo đề nghị Thủ tướng
Chính phủ ra lệnh điều động lực lượng, phương tiện để ứng cứu kịp thời những
tình huống cấp bách khi xảy ra cháy rừng nghiêm trọng.
3. Chỉ đạo, điều hành sự phối hợp
giữa các lực lượng liên ngành và các địa phương trong công tác phòng cháy, chữa
cháy và tổ chức khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.
4. Tham gia phối hợp với các Bộ,
ngành có liên quan để xây dựng chế độ, chính sách về công tác phòng cháy, chữa
cháy rừng như: chế độ cho người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, xảy ra tai nạn,
thương tích hoặc bị hy sinh trong khi thi hành công vụ.
5. Chỉ đạo các địa phương có nhiều
rừng, có nhiều khả năng xảy ra cháy rừng, tổ chức diễn tập chữa cháy rừng với
quy mô phù hợp, thiết thực và hiệu quả vào đầu mùa khô hàng năm.
Chương 2:
NHIỆM VỤ CỦA CÁC THÀNH
VIÊN BAN CHỈ ĐẠO
Điều 4.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo:
1. Nhiệm vụ chung:
Mỗi thành viên Ban Chỉ đạo có
trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa
cháy rừng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm tra, đôn đốc công tác
phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa cháy rừng theo sự phân công của Trưởng Ban
Chỉ đạo, chịu trách nhiệm giải quyết lĩnh vực công việc thuộc ngành mình phụ
trách phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Nhiệm vụ cụ thể của thành
viên:
a) Trưởng Ban Chỉ đạo:
- Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo,
điều hành, phối hợp giữa các cơ quan hữu quan thực hiện chức năng quản lý nhà
nước về phòng cháy, chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả cháy rừng.
- Chủ trì các cuộc họp thường kỳ
6 tháng một lần và các cuộc họp bất thường của Ban Chỉ đạo.
- Phân công trách nhiệm cho các
thành viên Ban Chỉ đạo và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
- Thay mặt Thủ tướng Chính phủ
quyết định điều động lực lượng, phương tiện của các tổ chức và cá nhân để ứng cứu
chữa cháy rừng trong những tình huống cấp bách khi xảy ra cháy rừng nghiêm trọng,
vượt khả năng chữa cháy của các địa phương.
- Báo cáo và đề xuất với Chính
phủ những biện pháp chỉ đạo và giải quyết kịp thời khi bất thường xảy ra cháy rừng
lớn,
Trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách và
chịu trách nhiệm chung về các công việc công tác của Ban Chỉ đạo.
b) Phó Trưởng Ban thường trực
Ban Chỉ đạo:
- Chịu trách nhiệm thường trực
Ban Chỉ đạo, thay mặt Trưởng ban Chỉ đạo khi Trưởng ban đi vắng.
- Chỉ đạo xây dựng Quy chế về chế
độ thông tin, báo cáo chuyên đề về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo việc lập quy hoạch, kế
hoạch, dự án quốc gia về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kế hoạch huấn luyện,
diễn tập chữa cháy rừng; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong công tác
phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc
thực hiện các phương án, dự án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục
hậu quả cháy rừng của các ngành, các địa phương.
- Chỉ đạo các hoạt động của Văn
phòng Ban Chỉ đạo.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác được
Trưởng ban Chỉ đạo phân công.
c) Các Phó Trưởng ban Chỉ đạo:
- Chủ động đề ra chương trình
công tác và thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng ban Chỉ đạo phân công phù hợp với
chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ.
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực
hiện các nhiệm vụ bảo vệ rừng nói chung và thực hiện Thông tư số
144/2002/TTLT-BNPTNT-BCA-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2002.
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực
hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, ứng phó chữa cháy rừng trong tình huống
cấp thiết; kiểm tra việc huấn luyện, diễn tập, chuẩn bị lực lượng, phương tiện
phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo chức năng quản lý nhà nước
chuyên ngành.
- Chỉ đạo và chủ động phối hợp với
các ngành, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
d) Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo,
Cục trưởng Cục Kiểm lâm, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo:
Trực tiết quản lý Văn phòng Ban
Chỉ đạo, giải quyết các công việc nghiệp vụ thường xuyên của Ban Chỉ đạo.
- Chuẩn bị chương trình, nội dung
và các điều kiện khác cho các cuộc họp và các hoạt động của Ban Chỉ đạo.
- Thay mặt Trưởng ban Chỉ đạo ký
một số công điện chỉ đạo các địa phương, các ngành trong tình huống ứng phó chữa
cháy rừng.
đ) Uỷ viên Ban chỉ đạo:
Thực hiện những nhiệm vụ do Trưởng
ban Chỉ đạo phân công.
Chương 3:
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ CỦA
VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO
Điều 5. Văn
phòng Ban Chỉ đạo (sau đây gọi tắt là Văn phòng).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ra quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể
cho Văn phòng Ban Chỉ đạo, trên cơ sở sử dụng bộ máy tổ chức của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm (không tăng thêm biên chế).
1. Chánh Văn phòng, chịu trách
nhiệm trước Trưởng ban Chỉ đạo về toàn bộ hoạt động của Văn phòng.
Giúp việc cho Chánh Văn phòng có
một Phó Văn phòng và một số cán bộ thuộc Cục Kiểm lâm, khi cần thiết có thể điều
động cán bộ từ Cục Phát triển lâm nghiệp, Viện Khoa học lâm nghiệp, Viện Điều
tra quy hoạch rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp.
2. Văn phòng làm việc theo chế độ
kiêm nhiệm, sử dụng cán bộ trong biên chế của các đơn vị được điều động cán bộ.
Kinh phí hoạt động của Văn phòng được bố trí theo kế hoạch hàng năm trong nguồn
kinh phí sự nghiệp bảo vệ rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản Lý
và giao cho Cục Kiểm lâm làm chủ tài khoản.
Điều 6.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng:
- Tổ chức phối hợp triển khai thực
hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp
tình hình về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo điều
hành, phối hợp các biện pháp chủ động phòng ngừa, đối phó trong những tình huống
thời tiết khắc nghiệt, có khả năng xảy ra cháy rừng để xử lý kịp thời, có hiệu
quả khi xảy ra cháy rừng trên diện rộng.
- Chuẩn bị nội dung, chương
trình cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban Chỉ đạo và các báo cáo theo
yêu cầu của Trưởng ban Chỉ đạo.
- Tổ chức trực ban theo dõi tình
hình phòng cháy, chữa cháy rừng trong các tháng mùa khô; kiểm tra, đôn đốc các
địa phương, đơn vị chủ rừng về công các phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tổ chức công tác thông tin
tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với các đơn vị có
liên quan dự báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng trong toàn quốc.
- Là đầu mối tư vấn, phối hợp với
các tổ chức quốc tế trong hoạt động về phòng cháy, chữa cháy rừng ở Việt Nam.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7.
Quy chế này áp dụng cho Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng và
các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Điều 8.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, Ban Chỉ đạo Trung ương
phòng cháy, chữa cháy rừng tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
quyết định.