Quyết định 914/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 914/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/04/2022
Ngày có hiệu lực 26/04/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lưu Văn Bản
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 914/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 26 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Quyết định số 2060/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12 tháng 12 năm 2020 về phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1317/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 8 năm 2020 về phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16 tháng 4 năm 2019 về phê duyệt Đề án Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 3 năm 2020 về phê duyệt Đề án Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt;

Căn cứ Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 608-TB/TU ngày 11 tháng 3 năm 2022 về Đề án Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 575/TTr-SGTVT-A1 ngày 01 tháng 04 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2022 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ủy ban ATGT Quốc gia; (để báo cáo)
- Bộ Giao thông vận tải; (để báo cáo)
- Thường trực Tỉnh uỷ; (để báo cáo)
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (để báo cáo)
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các cơ quan có thành viên Ban ATGT tỉnh;
- Các thành ủy, thị ủy, huyện ủy;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- TT CNTT - VP UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: Cao Cường, Thư, Hiển, Quảng;
- Lưu: VT, KTN, lqđ(25).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lưu Văn Bản

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 914/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh Hải Dương)

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, tai nạn giao thông (TNGT) hàng năm được kiềm chế và giảm dần. Tuy nhiên, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT vẫn ở mức cao (từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.218 vụ, làm chết 945 người và làm bị thương 676 người, cao hơn từ 1 đến 3 lần so với các tỉnh, thành phố lân cận)1. Trong đó, TNGT xảy ra trên đường bộ là chủ yếu chiếm tới 95,7% số vụ, 96,6% số người chết và 97.9% số người bị thương (xảy ra 1.166 vụ, làm chết 913 người và làm bị thương 662 người); TNGT đường sắt chiếm 2,5% số vụ, 2,85% số người chết và 1,8% số người bị thương (xảy ra 31 vụ, làm chết 27 người và làm bị thương 12 người); TNGT đường thủy nội địa chiếm 1,7% số vụ, 0.5% số người chết và 0.3% số người bị thương (xảy ra 12 vụ, làm chết 05 người và làm bị thương 02 người). Về địa bàn, TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ chiếm 33,8% số vụ, 45,4% số người chết và 25% số người bị thương; trên đường tỉnh chiếm 20,4% số vụ, 26.8% số người chết và 16% số người bị thương; khu vực nông thôn chiếm 11% số vụ, 15,1% số người chết và 6,2% số người bị thương; khu vực đô thị chiếm 6,5% số vụ, 8,2% số người chết và 2,95% số người bị thương.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đặt ra là đến năm 2025 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800USD), tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45% dẫn đến dự báo nhu cầu vận tải những năm tới tăng bình quân từ 10 - 15%/năm và đến năm 2025 số phương tiện đường bộ tăng thêm khoảng 40% càng tạo áp lực lớn cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Về nguyên nhân, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như: Hệ thống pháp luật về TTATGT còn có những bất cập, nguồn vốn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu, số lượng phương tiện giao thông tăng, còn chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, cụ thể:

1. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông;

2. Ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn yếu kém, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông...;

3. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập; tình trạng hư hỏng mặt đường, điểm đen TNGT chậm được sửa chữa, khắc phục, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh như QL.5, QL.38…; hệ thống báo hiệu đường bộ còn thiếu nhưng chưa được quan tâm rà soát bổ sung thường xuyên, tập trung trên hệ thống đường huyện, đường xã; tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải phòng chạy song song và sát QL.5 với hơn 100 đường ngang, lối đi tự mở nhưng chưa có đường gom…; tình trạng xâm phạm công trình và hành lang an toàn giao thông, đấu nối trái phép vào đường bộ diễn ra phổ biến nhưng chậm được xử lý2;

4. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có mặt hiệu quả còn thấp, nhiều xe kinh doanh vận tải trá hình, xe tự chế3, xe chở hàng quá tải vẫn còn hoạt động; việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với học sinh, thanh thiếu niên chưa thường xuyên, tập trung ở khu vực nông thôn.

[...]